Đại Ân Xá

Từ Hòa - Lê thắm

“Bây giờ làm sao hở chú? Không lẽ mới cúng có 21 ngày rồi bỏ nó, tội nghiệp quá!” Thím Năm rưng rưng muốn khóc. Chú Hai vừa kéo ghế như mời thím ngồi vừa nói “Đâu có bỏ, thím bình tĩnh, bây giờ về nói với em dâu thím mua bông trái đến chỗ cháu nó tử nạn hôm trước cầu nguyện, kêu cháu theo mẹ về Thánh Thất nghe kinh”. Thím chần chừ “Nhưng từ hôm nó mất, mẹ nó đã rước thầy tụng kinh, tui e nó theo họ về chùa rồi”. Chú Hai chánh tri sự vỗ nhẹ vai thím Năm “Không sao, cứ kêu nó về Thánh Thất, nó sẽ theo”.

Thím Năm cũng còn hoang mang nhưng cũng ráng đi riết về nhà, tay cầm nón lá mà quên, cứ để đầu trần đội nắng giữa trưa. T. K là cháu của thím mới 23 tuổi, vừa mất hơn 20 ngày trong một tai nạn giao thông. Mẹ của cháu là em dâu của thím rước thầy về tụng kinh. Thím nhờ theo chồng nên biết Đạo Cao Đài, còn dòng tộc của thím chỉ thờ ông bà và thỉnh thoảng đi chùa ngày rằm lớn mà thôi nên việc tang lễ của cháu, thím cũng để tùy gia đình em trai lo liệu cho đến khi gần cúng 21 ngày. Vị thầy tụng yêu cầu gia đình làm lễ trai tăng, nghĩa là làm một tiệc chay cùng với các vật phẩm và tiền để cúng dường 12 vị tăng đến cầu nguyện cho vong hồn người đã mất. Mẹ của cháu hoàn toàn nghe theo.

Tuy nhiên một đêm T. L. là chị gái của T. K. đang ở bên nhà chồng nằm mộng thấy em trai về nhờ báo với mẹ rằng đừng làm lễ trai tăng đó vì không hữu ích gì cho T. K. Thấy lạ nên T. L. kể cho mẹ chồng nghe, bà bảo rằng T. L. lo nghĩ nên thấy vậy, việc cúng trai tăng sao lại không hữu ích. T. L. nghe vậy nên bỏ qua. Đêm hôm sau, chính mẹ chồng của T. L. cũng thấy T. K. về báo mộng, nhờ nhắn dùm cho mẹ T. K. đừng làm lễ trai tăng. Bây giờ chính bà thấy nên không thể không tin, bà báo cho mẹ ruột của T. L. việc này. Mẹ của T. K. tuy cũng nghe theo không làm lễ nhưng trong lòng rất hoang mang vì không biết sẽ phải làm gì, bà cũng đi hỏi anh chị em trong nhà nhưng ai cũng không biết nên làm sao. Thím Năm cũng vậy nhưng thím nhớ ở Thánh Thất có vài lần nhập môn linh hồn cho những người bị mất mà chưa biết Đạo nên thím vội đi hỏi chú Hai.

Chiều hôm sau đồng Đạo tập trung đến Thánh Thất tụng kinh Di Lặc và cầu nguyện cho cháu của thím với sự có mặt của mẹ và chị của cháu. Ngay sau giờ cúng, bất ngờ mẹ của T. K. ngồi khóc, chị gái của T. K. ôm mẹ hỏi có sao không? Bỗng nhiên nghe mẹ nói “em T. K. đây chị hai”. Mọi người ngạc nhiên nên hỏi thăm rất nhiều. “T. K.” nói khóc vì mừng chứ không buồn việc chi, nhờ buổi cầu nguyện này mà “T. K.” mới vào đặng Nội điện nghe kinh, được nhiều ân lành. Ba đêm tụng kinh Di Lạc liên tiếp, “T. K.” đều có về qua thể xác của mẹ, chỉ nói vài câu tỏ sự vui mừng vì được dự thời cúng rồi “xuất ra”.

Vì mấy ngày con về qua thể xác mình nên mẹ T. K. đều không được “gặp” con, bà mong một lần trực tiếp “nói chuyện” với T. K. nên bà đi “bắt hồn” T. K. Sau hai lần không được, đến lần thứ ba thì T. K. “về” nhưng rất ít “nói”, bà hỏi những giấc chiêm bao mà chị T. L và mẹ chồng thấy là thật? T. K. gật đầu. Bà hỏi những buổi tụng kinh ở Thánh Thất là có hữu ích? T. K. gật đầu. Bà hỏi nhiều nữa nhưng T. K. rất ít “nói”, chỉ im lặng hoặc gật đầu. Sau cùng T. K. nói với bà giúp T. K. nhập môn ở Thánh Thất và đừng “bắt hồn” T. K nữa, những nơi này không tốt.

Còn mươi bữa nữa mới đến ngày rằm tháng 10, nhưng bà đến xin nhập môn linh hồn T. K. càng sớm càng tốt. Chú Hai hiểu hoàn cảnh nên nhân lễ cúng cửu ở Thánh Thất, chú tiến hành lễ nhập môn cho T. K. qua thể xác mẹ của T. K. Ngay sau khi tuyên thệ xong, chú Hai căn dặn T. K. nên lo tu học, lập công vô vi, đừng theo làm khó cho thể xác của mẹ. “T. K.” trả lời sẽ không về làm phiền mẹ nữa vì bây giờ T. K phải lo tu học, có nhiều việc phải làm. T. K. cũng dặn ba lái xe cẩn thận và đừng kêu T. K. theo phụ giúp mỗi sáng khi ông đi xe chở hàng, “T. K.” nói rằng sau tai nạn, T. K. rất sợ xe, không thể theo giúp ba được nữa. “T. K.” nhìn chị T. L. và khóc, nhắn chị quan tâm lo lắng cho ba mẹ nhiều hơn rồi T. K “xuất ra”.

Tiếng chuông ngân trên tháp Bạch Ngọc Chung Đài âm vang nho nhỏ qua điện thoại như báo cho tôi biết câu chuyện má kể đã dứt. Mẹ nói Thánh Thất khai U Minh từ hôm mùng một tháng mười đến nay, đồng Đạo luân phiên trực chuông ngày đêm, má hầu như chỉ về nhà lo cơm cho Bà ngoại rồi đi miết từ sớm đến tối. Nhà tôi gần Thánh Thất nên má như có hai ngôi nhà để chăm nom. Tôi gọi về có lúc nghe má đang quét sân, có lúc mới bắt máy thì má hỏi ngay “Có gì không? má đang đốt lá sứ, khói cay mù mịt”, tôi đành hẹn chút gọi lại.

Tôi thích tháng mười, tháng bảy, tháng giêng vì thoải mái gọi cho má, không lo giờ giấc trái ngược nửa vòng trái đất làm má mất ngủ. Những tháng này, má thường trực chuông khuya. Vì nhà gần nên má lãnh trực từ thời tý đến sáng, nhờ vậy tôi cũng được đắm mình trong tiếng chuông trầm lắng qua điện thoại.

Má tôi biết Đạo từ thời còn nằm trong bụng mẹ (nên tôi cũng được hưởng phần này) nhưng má ít khi nói triết lý Đạo, má “truyền Đạo” cho tôi bằng những câu chuyện thật, rất thật, má kể bằng tất cả những gì má nghe, thấy, sờ, chạm. Câu chuyện của má gọn gàng, không chú thích hay kèm thêm triết lý “râu ria”. Tôi bây giờ khác xưa, tôi “uống” cái Đạo của má cho như dốc ngược trái dừa tươi vừa mới hái, không có “sang trọng”, không có “khách sáo” như tôi trước đây điệu đàng nhâm nhi từng ngụm nước dừa đang phai vị ngọt trong ly.

Tôi của cách đây chừng mươi năm lúc còn ở quê nhà, hễ chiều nào đi tụng kinh mà chứng kiến đồng Đạo vây quanh một “vong linh mới nhập” nào đó là tôi thất vọng trong lòng. Tôi hay nói với má “Bình thường ít người đi cúng cầu nguyện, khi có chuyện xuất nhập thì Thánh Thất thiệt là đông, hàng ngày không mấy tín ngưỡng Ơn Trên, chỉ khi có chuyện mới tò mò đi xem, lòng thành kỉnh được tăng thêm nhờ mấy vong hồn uổng tử. Mình làm vậy có đúng không?”

Bởi vậy dù tận mắt chứng kiến những lần “xuất nhập” để xin nhập môn của những vong linh, tôi đều không tiếp cận thăm hỏi. Má tôi vẫn kể những gì má thấy và tôi chỉ nghe mà không bàn thêm. Chẳng những ở Thánh Thất chỗ quê tôi mà những địa phương khác, thỉnh thoảng tôi vẫn “bị” chứng kiến, có khi với cấp độ kinh khủng hơn, nghĩa là rất nhiều vong hồn những người lính tử trận về xin nhập môn qua thể xác một người. Hoặc cả dòng tộc đã khuất theo đòi người cháu mới biết Đạo giúp nhập môn.

Những hoàn cảnh này thì người mang thể xác trung gian thật khổ sở, nhìn thấy họ không làm chủ được xác thân, phải xin trú ngụ tại Thánh Thất, có vị mới biết Đạo, chưa một lần đi Tây Ninh nhưng các vong linh đeo bám, khiến họ tìm đường về Tòa Thánh làm công quả để xin nhập môn. Thể xác họ bị ép làm bất kể ngày đêm, sức lực cạn kiệt, tinh thần ngơ ngác nhưng vẫn không đủ đáp ứng sự “nhiệt tình” của các vong linh cho đến ngày người mang thể xác đó được giúp đỡ nhập môn cho các vong linh. Với sự chứng kiến của nhiều đồng Đạo, hàng trăm vong linh được nhập môn qua thể xác trung gian.

Từ những lần chứng kiến đó khiến tôi bắt đầu tìm câu trả lời cho những thắc mắc của mình. Những lời cầu nguyện có sức mạnh cứu rỗi thế sao? Tôi nghĩ cả đời mình chưa làm điều phước đức, liệu sau khi thoát xác rồi, lời cầu khẩn có tác dụng chi không?

Có! Cũng như tôi đang bệnh, suốt ngày nhốt mình trong phòng, nằm nghe cơ thể đau nhức tận xương tủy. Như vậy bệnh càng thêm nặng vì tâm lý ức chế. Nếu có người thân, bạn bè đến thăm nom, khuyên giải, chỉ thầy giỏi thuốc hay, hiển nhiên tâm hồn thấy an ủi đi tìm lại phương sống cho mình. Cũng như vậy, những người chết mà mang nhiều nghiệp lực nặng nề, dục vọng chưa tan, sự oán hận còn vươn vấn, họ khổ sở với trạng thái ngột ngạt của mình, họ rất cần lời phân trần giúp đỡ chân thành, nhất là của những người đạo đức.

Mỗi lần đi tụng kinh cầu siêu cho người trong hay ngoài Đạo, đều có bài kinh cầu bà con thân bằng cố hữu đã quy liễu. Tôi đọc mà trong lòng có nhiều xúc cảm, lời kinh hiền hòa như lời nhắc nhở của lương tâm mình.

Khi dương thế không phân phải quấy ,

Nay hư linh đã thấy hành tàng .

CHÍ TÔN xá tội giải oan ,

Thánh Thần Tiên Phật cứu nàn độ căn .

Đã từng chịu khó khăn kiếp sống ,

Định tâm thần giải mộng Nam kha .

Càn Khôn để bước ta bà ,

Đoạt cơ thoát tục tạo nhà cõi Thiên .

Ơn tạo hóa tha tiền khiên trước ,

Đưa linh phan tiếp rước nguyên nhân .

Tiên phong phủi ngọn phất trần ,

Liên đài đỡ gót đến gần Tây Phương .

Cửa Cực lạc đon đường thẳng tới ,

Tầm không môn đặng đợi Như Lai .

Hào quang chiếu diệu CAO ĐÀI,

May duyên nay đã gặp ngày siêu sanh

Lời kinh kệ mang âm hưởng thanh cao giúp các vong linh thức tỉnh. Khối tinh thần hiệp nhứt của đồng Đạo nguyện cầu thành khẩn cộng hưởng với tần số Yêu Thương của Thượng Đế sẽ tạo nên một lực đẩy nâng họ vượt qua khỏi những rung động thấp thỏi nặng nề do nghiệp lực của họ từ bao kiếp tạo nên. Họ như người bị trầm dưới nước vừa được nâng lên, họ được thở, được thấy mình tái sinh để cố gắng học tập những kinh nghiệm quá khứ tránh dẫn đến đau khổ. Tuy nhiên sự ý thức này sẽ bị che mờ rất nhiều khi họ mang vào một thể xác trần trược, những đam mê dục vọng của thế gian lại cuốn họ quên nẻo trở về.

Vì vậy những vong linh chưa biết Đạo, chưa từng nhập môn, chưa giữ gìn luật Đạo, chưa lập công bồi đức sẽ kém may mắn hơn. Họ chỉ biết Đạo sau khi đã mất nên chỉ nhận được sự giúp đỡ rất hạn chế. Lời nguyện cầu, câu kinh tiếng kệ chỉ tạm thời giúp họ một thời gian ngắn định thần, nhận ra nghiệp lực của mình để ăn năn hối cải, quyết tâm tu sửa ở một kiếp lai sinh gần nhất. Sự tụng kinh siêu rỗi chỉ tạm giúp họ bình tĩnh nhận ra mình, tìm con đường đi đến bờ giải thoát, chứ không thể giải quyết hết những oan khiên mà họ đã tạo từ bao kiếp.

Với những tín đồ Cao Đài thuần thành, con đường trở về của họ rút ngắn hơn. Dù họ chưa đủ công đức để thực sự trở về thì họ vẫn được đặc ân thọ truyền bửu pháp khi giữ đúng chay lạc, không làm trái luật Đạo. Họ có cơ hội diện kiến tại Bạch Ngọc Kinh trước khi trở lại con đường tái sinh tu học. Chính ấn tượng sâu sắc khi họ được trở lại đứng trong Cõi Thiêng Liêng Hằng Sống sẽ ghi khắc trong tâm thức họ, sẽ nhắc nhở họ trong suốt quá trình sống ở thế gian sau này, sẽ thúc giục họ tìm đường chánh nẻo ngay mà lần bước trở về. Đây là một đặc ân Thiêng Liêng trong thời ân xá kỳ 3 mà Đức Chí Tôn dành cho những con cái của Ngài biết tùng theo Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Tôi cũng bắt đầu hiểu hơn những lời dạy trong Thánh ngôn của Đức Chí Tôn và các Đấng. Tôi ý thức là mình đang may duyên đứng trên một chiếc thuyền cứu rỗi ở cuối hạ ngươn tam chuyển này.

Trong Lời thuyết Đạo của Đức Hộ-Pháp tại Đền Thánh, đêm 14-1 năm Giáp Ngọ, Ngài đã dạy: “Mỗi nguơn niên, theo ta hiểu biết cái đại nghiệp của càn khôn vũ-trụ với triết lý nhà Phật, thì cả tinh-thần lẫn vật-chất của vạn linh đều thay đổi mới. Theo cái triết-lý ấy thì ngày nay là ngày các chơn hồn đặng quyền Chí-Tôn ân-xá nếu không nói rằng hưởng được một sự tấn-hóa đặc ân hơn nữa.”

Và tại Đền Thánh ngày rằm tháng 10 năm Canh Dần (1950), Đức Hộ Pháp cũng có giảng

Ngài (Đức Chí Tôn) đến để hai chữ Ân-xá thì chúng ta đóan hiểu rằng “Ngài đã đến rồi!” và Ngài biết con cái của Ngài đã chịu khổ nhiều rồi, đã có nhiều phương-pháp giải khổ của Ngài đến giao nơi mặt địa cầu này. Từ thử đến giờ cái thống khổ tâm hồn nhơn lọai bao nhiêu thì Ngài thống khổ bấy nhiêu, Ngài đến đem Long-Hoa-Hội cốt để bảo-thủ hai chữ Ân-xá. Trong bao nhiêu đó, chúng ta cũng đủ thấy lòng thương-yêu vô tận của Ngài thế nào?

Bần Đạo nói thật, thời buổi nầy chúng ta không tìm phương giải thoát cho Cửu Huyền Thất Tổ thì không có thời buổi nào có năng lực độ rỗi Cửu Huyền Thất Tổ của mình cho đặng, không có buổi nào hạnh phúc làm đặng như vậy.

Bởi thế nên toàn thể con cái của Đức Chí Tôn nam, nữ cũng vậy, có tấm lòng yêu ái nồng nàn hoài vọng giọt máu mảnh thân mình, giờ phút nầy là giờ phút nên để trọn tâm cho thanh tịnh đặng cầu nguyện siêu thoát cho Cửu Huyền Thất Tổ.

…Ngài sẵn-sàng để hai chữ Ân-xá thì mấy người xin cái gì thì Ổng cũng cho cái nấy”.

Sự thương yêu của Thượng Đế đối với chúng sanh vô cùng vô tận, Ngài đã ban cho nhân loại một đặc ân chưa từng có. Chúng sanh được tận độ về cả hai phương diện: độ sanh và độ tử.

Lúc còn sống, Ngài dùng đủ mọi phương diện để độ rỗi và dạy dỗ con cái sống cho nên Đạo.

Khi chết rồi, có đủ kinh tận độ linh hồn cùng ban những bí pháp để rửa tội, và còn được siêu rỗi bởi Đức Chí Tôn để có thể về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Đạo Cao Đài thời kỳ khởi thủy, với sự huyền diệu của cơ bút Thiêng Liêng đã dẫn dắt biết bao người theo mối Đạo Trời, tạo lập Đức Tin mạnh mẽ để chư vị chức sắc tiền khai quyết tâm xây dựng tinh thần, hình thể Đạo lưu truyền đến ngày nay. Khi nền Đạo thành hình, cơ bút được khép lại để giữ vẹn nguyên nét Thiêng Liêng của nền chánh Đạo. Tuy nhiên sự huyền nhiệm vẫn thường hiện hữu để giúp đời hướng Đạo, gầy Đức Tin cho những tín đồ còn mới mẻ trên con đường tu học lập công bồi đức.

Bằng kinh nghiệm của mình trong những gian nan cuộc sống hay khi gặp khó khăn thử thách nơi cửa Đạo, hoặc lúc phải đối mặt với những ngăn trở làm chùng bước lập công, lập đức, tôi nhắc nhở mình cố gắng hết khả năng và để tâm cầu nguyện với Đức Thượng Đế khi cúng hàng ngày tại nhà. Tôi thấy mình tâm mình bình an và định tĩnh như vừa được an ủi, chở che, cảm giác như thuở còn thơ dại mỗi khi bị bắt nạt, chạy về vùi vào lòng mẹ thổn thức kể mẹ nghe. Mẹ tôi không nôn nóng đi gặp người bắt nạt tôi mà chỉ thương yêu, vỗ về bảo tôi tránh xa người đó. Vậy thôi mà tôi cũng thấy nhẹ nhõm trong lòng và tiếp tục cuộc chơi của mình.

Tôi bây giờ thấy mình như trẻ thơ, hồn nhiên đón nhận ân điển Thiêng Liêng như Cha Mẹ, tôi để tâm hồn mình mềm mại cảm nhận tình thương yêu vô bờ bến của Ngài, để mình lớn khôn hoàn thiện hơn, đủ năng lực chia sẻ tình thương yêu cho toàn vạn loại.

Từ Hòa - Lễ Kỷ Niệm Khai Đạo - Rằm Hạ Ngưon 2010