Trại Hè Tiến Bước II - Milo Phạm
Trại Hè Tiến Bước II
Milo Phạm
Mình được đến tham dự Trại Hè Tiến Bước II như một cơ duyên. Là một du học sinh ở Kansas, mình đến thăm Cô và Bà Nội ở Scio, Oregon mùa hè 2013. Vào một ngày giữa tháng 6, chú Hoàng, Huynh Trưởng ở Thánh Thất Portland, Oregon đã đến nhà thăm Bà Nội và ngỏ lời mời mình tham dự trại hè. Xem đó như là một cơ hội để học hỏi và để được gặp cộng đồng người Việt ở Mỹ, mình nhận lời tham gia không một chút do dự.
Sáng thứ năm, ngày 4 tháng 7, hai chiếc xe của đoàn Portland rời Thánh Thất, vượt qua con đường dài, sau 3 giờ, đoàn Portland chạm bánh đến thành phố Seattle, Washington. Đi theo tấm bảng chỉ đường có đề chữ “Tiến Bước”, đoàn của mình đến nơi. Bước xuống xe và nhìn quanh, khuôn viên trại hiện ra trước mắt. Đó là một khu đất nhỏ, cỏ mọc kín, được bao quanh bởi rừng cây cao và xanh mát. Nhìn lên bầu trời xanh, hít vào một hơi bầu không khí trong lành, mình thầm yêu thích nơi này. Xa xa là một ngôi nhà nhỏ chắc chắn, phía trên có treo băng rôn ghi dòng chữ “Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng TIẾN BƯỚC II chào mừng Quan khách và Trại sinh”. Nhìn gần hơn, phía hai bên bãi cỏ, mọi người đến từ San Jose, Seattle, Nam California đang tất bật dựng lều trại. Đoàn Portland của mình cũng bắt tay vào căng lều. Mỗi người một góc, kẻ cắm cọc, người cột dây, cuối cùng mọi thứ đã được hoàn thành lúc trời vừa sập tối.
Sau khi nghe lệnh tập hợp phát trên loa, mọi người tập trung quanh ngôi nhà nhỏ, tất cả cùng nhau xếp hàng lấy muỗng nĩa ăn bữa cơm chay đầu tiên. Vì trời đã gần tối, các Huynh Trưởng chào mừng mọi người, rồi thông báo nhanh về kế hoạch đi xem pháo hoa mừng ngày Quốc Khánh Độc Lập lúc 9 giờ tối. Rất đông người cùng đi xem pháo hoa, ngồi quây quần cùng nhau nói chuyện, ăn uống, chiêm ngưỡng những tràng pháo hoa lộng lẫy quanh Lake Union, mọi người đều có những giây phút rất vui tươi, hớn hở. Vì đường xá đông đúc, nên mặc dù ra về vào lúc 11h, mãi đến tận 1h30 sáng các xe mới trở lại về khuôn viên trại. Do ngồi trên xe khá lâu, và trời cũng đã khuya, nên lúc này ai ai cũng đều thấm mệt và vào lều ngủ nhanh chóng, thay vì phải cảm thấy khác lạ, sợ hãi khi ngủ đêm đầu tiên ở một nơi hoang vu tĩnh mịch.
Sáng thứ sáu, ngày 5 tháng 7, khi còn đang ngái ngủ, mình bị đánh thức dậy lúc 7 giờ sáng bởi một bài hát lặp đi lặp lại trên loa. Sau đó, các Huynh Trưởng cầm loa đi đến từng lều gọi các trại sinh dậy, đánh thức cả một khu trại trước đó còn im ắng, mở đầu cho một buổi sáng đầy nhộn nhịp. Chẳng mấy lâu sau, các bạn trại sinh ùa ra đánh răng và thay đồng phục để chuẩn bị cho lễ khai mạc. Những chiếc áo sơ mi đồng phục trắng tinh được các trại sinh khoác vào, nhìn ai cũng gọn gàng, tươm tất.
Trong khi đội cầm cờ đang tổng duyệt lại đội hình, số trại sinh còn lại được Trưởng Khoa, Trưởng Đức và ban hướng đạo Việt Hùng hướng dẫn bài tập thể dục buổi sáng và chơi một số trò chơi nhỏ như “Tụm nhóm 5 người, 2 tay 2 chân”. Nhìn mọi người xung quanh và ngay cả đội của mình xoay sở, người này cõng người khác, người trồng cây chuối, mình thấy không khí bỗng vui tươi hẳn. Tuy yêu cầu đưa ra là giống nhau, nhưng qua đây mới thấy sự sáng tạo của con người là vô hạn khi mỗi đội đều tạo riêng cho mình một cách thức, chiến thuật khác nhau. Và mọi người dù chưa biết tên nhau nhưng cũng gần gũi nhau hơn qua trò chơi mang tính đồng đội này.
Sau khoảng 30 phút vui chơi hào hứng, cả hội trại chuẩn bị bước đến ghế ngồi cho lễ khai mạc. Từ chiều hôm qua, mình thấy ai cũng mặc “bụi bụi”, giản dị để dễ dàng chuẩn bị lều trại, sáng nay nhìn các Huynh Trưởng và tụi mình ăn mặc đồng phục nghiêm chỉnh, Cô Bác mặc áo dài, mình mới dần nhận ra sự trang trọng của buổi khai mạc Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng TIẾN BƯỚC. Không gian rừng cây như thâm nghiêm hơn trước tinh thần của tất cả mọi người. Có một Bác cao tuổi làm mình nhớ nhất, Bác đến từ Houston, Bác kể từng là thành viên đầu tiên của Đại Đạo Thanh Niên Hội, mình mới biết tổ chức Thanh Niên Đại Đạo này đã kế thừa biết bao thế hệ, chắc vì vậy mà có chủ đề trại TIẾN BƯỚC. Mọi thứ với mình đều là lần đầu tiên nên rất thú vị, mình thấy rất may duyên có mặt nơi đây, được hòa vào không khí tập thể của Đại Đạo Thanh Niên Hội. Vui nhất là lúc chụp hình, bọn mình nhỏ nên ngồi phía trước, thấy mấy Huynh chụp hình rất nhiều, ai cũng vui, muốn ghi lại thật nhiều những khoảnh khắc này.
Sau khi dự lễ Khai Mạc và chụp hình, hội trại được tập bài hát mà ban sáng đã được phát trên loa. Người sáng tác bài hát không ở đâu xa mà là chú Phạm Tú, người cũng tham gia lần này. Bỗng nhiên mình cảm thấy hội trại này thật “oai”, lại còn có bài hát được sáng tác riêng cho mình! Nhìn xung quanh, những bạn biết đọc tiếng Việt thì có thể hát theo rất nhanh, còn những bạn chưa thạo đọc thì đang đăm chiêu vào từng chữ. Tuy nhiên, tất cả đều rất cố gắng để bắt kịp nhịp, kịp lời của bài hát.
Sau khi tập hát xong, chúng mình chính thức được chia làm 6 nhóm, mỗi nhóm từ khoảng 6 đến 8 người, và được các Trưởng sắp xếp sao cho độ tuổi được phân chia hài hoà giữa các đội, có từ lớn đến nhỏ để bảo ban, chăm sóc nhau. Sau một hồi thảo luận, với yêu cầu tên đội phải là một loại trái cây, chúng ta có: “Dâu – ngọt lắm! Xoài – chuaaa! Chanh – đắng! Thanh Long – ngon quá! Cóc – giòn! Dưa hấu – mát!” cùng các loại cờ đủ màu, với đủ loại hình vẽ trang trí ở trên đó. Và kể từ đây, một cuộc đua giành vé (dần dần trở nên khá khốc liệt) giữa các đội bắt đầu. Mọi người trong đội sẽ phải nỗ lực trong tất cả các chương trình xuyên suốt hội trại, với mục đích là giành được số vé nhiều nhất cho đội mình. Phần thưởng sẽ được công bố khi hội trại kết thúc.
Quân số đã sẵn sàng nên ngay chiều hôm đó, các Trưởng bắt tay vào giới thiệu và tập cho chúng mình các loại đội hình, đội ngũ, cách chào và báo cáo. Riêng về phần này, mình cảm thấy rất thích thú vì các bạn đồng trang lứa của mình cùng các em nhỏ có cơ hội được rèn luyện bản thân về mặt kỷ luật. Đối với một tập thể đông, dù cho vui thế nào mà kỷ luật, trật tự không có, thì cả quá trình tổ chức sẽ khó khăn và yếu kém.
Tiếp theo, chúng mình ngồi thành vòng tròn và được học về các dạng trò chơi tập thể, cách tổ chức trò chơi sao cho phù hợp, và sau đó còn được học về kỷ năng sống: làm sao để giải quyết vấn đề khi có mâu thuẫn trong một nhóm. Mà nói đến đây, không biết các bạn và các em có nhớ lời Trưởng Khoa không nhỉ? Mỗi bạn sau kỳ hội trại, khi về đến nhà, hãy tìm hiểu cho mình 3 trò chơi để sau này có khi sẽ cần dùng đến! Đến lúc này, mọi người đều thấm mệt nên mọi người được giải lao. Trong vòng hai tiếng giải lao đó, các Trưởng (có lẽ vì muốn tiết kiệm công sức) nên bèn giao thêm một luật mới: “Bạn nào muốn đi tắm, phải nộp lại một vé của đội mình.” Sau khi nghe xong, hầu như vẻ mặt ai đấy đều có vẻ xìu xuống. Giữa công và tư, thật là khó xử… Nhưng cuối cùng, theo mình được biết, mọi người đều đã hy sinh lợi ích cá nhân, bảo toàn số vé cho đội của mình bằng việc không đi tắm.
Nói về giờ giải lao, đây cũng là một khoảng thời gian thú vị cho mọi người. Gác những bài học, những hoạt động, trò chơi chung, các trại sinh có thời gian cho riêng mình để nghỉ ngơi, để viết vội vài dòng vào cuốn nhật ký, hoặc để làm quen với nhau, có thể qua những cuộc đánh cầu lông, hay qua trò chơi nhảy dây đầy vui nhộn. Riêng ngày hôm đó, các đội còn được giao nhiệm vụ rằng phải chuẩn bị sẵn sàng hai tiết mục để góp vui cho đêm lửa trại. Có hai tiếng đồng hồ là thế, nhưng có lẽ tất cả các trại sinh đều mãi vui, nên đến khoảng 10-15 phút cuối, mọi người mới tụm lại cùng nhau bàn tán lên kế hoạch và kịch bản cho tiết mục của mình.
Hết giờ giải lao, mọi người tập hợp xung quanh những băng ghế gỗ dài bên cạnh căn nhà chính. Vì trời còn sáng, nên trước khi bắt đầu lửa trại, chúng mình được Trưởng Huấn dạy cho một khoá học về kỹ năng thuyết trình trước đám đông. Buổi học diễn ra xuất sắc ngoài những gì mình mong đợi, nhờ tính chuyên nghiệp của bài giảng, cùng sự truyền đạt lưu loát, dễ hiểu của Trưởng Huấn. Bản thân mình cảm thấy bài học rất hữu ích, và khám phá ra rằng thuyết trình trước đám đông không hề đơn giản như là một bài nói từ một người đến nhiều người khác, mà ở đó chứa đựng cả nghệ thuật giao tiếp, khả năng quan sát cũng như nhận biết tâm lý. Chắc chắn bài học này, không sớm thì muộn, sẽ có lúc mình cần đến và áp dụng trong tương lai.
Trời đã bắt đầu sập tối, có lẽ ai ai cũng đang hồ hởi muốn được nhìn thấy ngọn lửa trại được thắp lên. Ngay tại ở giữa khu ghế ngồi là một ống trụ thấp được xây bằng xi măng. Chính giữa ống hình trụ ấy, một chồng gỗ chẻ nhỏ được xếp ngăn nắp, chồng lên nhau thành hình một ngọn tháp. Những ánh pháo màu đỏ được thắp lên, thả vào cho chồng gỗ những ngọn lửa đầu tiên. Lửa nhỏ rồi lớn dần lan xuống dưới. Không lâu sau ngọn lửa lớn hẳn, toả ra một ánh sáng vàng rực và ấm nóng ra xung quanh. Ngước lên trên, bầu trời tối đặc một màu đen, lốm đốm đây đó một vài ánh sao nhỏ. Xung quanh, những bóng đen rậm rạp của mấy nhánh cây cao ôm trọn khuôn viên trại vào trong. Giữa không gian hoang vu này, ngọn lửa như có phần nỗi bật, ấm áp hơn, và có cả một chút gì kỳ diệu nữa.
Thế rồi cũng đã đến lúc các đội biểu diễn các tiết mục của mình trước đám đông. Các bài hát đơn giản như “Kìa con bướm vàng”, “Con chim non” được cất lên kèm theo những động tác múa minh hoạ ngộ nghĩnh, có phần hơi lúng túng, ngại ngùng của các trại sinh. Mọi người cũng có những giây phút hào hứng nhờ những trò chơi nhỏ do đội Xoài, đội Dâu tổ chức như “Mưa lớn mưa nhỏ (mọi người vỗ tay to và nhỏ tuy vào sự điều khiển của người dẫn trò), “Nhìn cử chỉ, đoán tên hành động”. Đội Dưa Hấu của mình, vì muốn nhen lên bầu không khí truyền thống Việt Nam, nên đã gửi tặng mọi người câu chuyện cổ tích “Ăn khế trả vàng” mà bất cứ người Việt nào cũng thuộc nằm lòng. Nhìn những thành viên trong đội nhiệt tình cố gắng, tự sáng tạo ra lời thoại và động tác ngay trên sân khấu. Nhìn thấy những nụ cười sảng khoái của khán giả, mình thầm cảm thấy rất tự hào về các thành viên đội Dưa Hấu. Và có lẽ đó không phải đó là cảm giác của riêng mình, mà chắc hẵn sau buổi sinh hoạt lửa trại đêm hôm đó, trong lòng mỗi trại sinh đã bắt đầu cảm thấy gắn bó và yêu quý hơn những người trong đội của mình, những người mà sáng nay còn xa lạ, đến tối đã cùng mình “biểu diễn”, cùng mình cố gắng để giành về những tấm vé nhỏ nhoi nhất.
Lửa tàn dần theo những bài hát, những câu đùa, những trò chơi vui. Sau khi có những giây phút thư giãn quây quần bên nhau, lúc này ai cũng đã thấm mệt và nhanh chóng trở về lều của mình. Đến đêm thứ hai, không biết mọi người có còn sợ sự tối tăm và vắng vẻ ở nơi này không? Không biết mấy em nhỏ có tự tưởng tượng ra cho mình những con quái vật đi ra từ trong rừng sâu, tấn công khu lều trại? Riêng mình, được ngủ trong lều với những người bạn mà mình mới quen ở Thánh Thất Portland cách đây vài ngày, mình chỉ thấy rất vui và cũng nhanh chìm vào giấc ngủ.
Sáng thứ bảy, ngày 6 tháng 7, lại cũng khoảng 7 giờ sáng, bài nhạc quen thuộc cùng những tiếng hô reo của các Trưởng lại thay cho hồi chuông báo thức của cả khu trại. Nằm bên trong, mình còn nghe cả tiếng Trưởng Dũng gọi và lay lay chiếc lều. Tuy phải dậy sớm, cơ thể uể oải nhưng mình lại cảm thấy vui vui và buồn cười, và ngay lúc đó, mình ước gì ở nhà, sáng nào cũng được nghe hồi chuông báo thức nhộn nhịp như ở đây, chắc chắn mình sẽ chẳng phải ngủ nướng từ ngày này qua ngày khác, lãng phí biết bao nhiêu thời gian của một ngày.
Như ngày hôm trước, sáng nay các trại sinh lại cùng nhau xếp vòng tròn và tập bài thể dục buổi sáng. Tập xong, chúng mình được thông báo rằng phái đoàn Houston sẽ rời trại. Chạy đến quanh những chiếc xe đã sẵn sàng lăn bánh, những cái ôm, những cái bắt tay của những người ở lại được trao thay cho lời tạm biệt với phái đoàn Houston. Tuy không thật sự biết phái đoàn có những ai, và mình đã gặp, nói chuyện với bao nhiêu người trong số đó, nhưng cuộc vui chưa tàn mà một số người đã phải rời đi làm mình thoáng thấy buồn và tiếc. Trưởng Huấn cùng các Cô Chú ở nhà bếp thì đang vội làm cho đủ số bánh mì chay để phái đoàn Houston có thể mang theo cho bữa sáng. Những hình ảnh đó tuy chỉ thoáng qua nhanh thôi, nhưng khiến mình mỉm cười vì sự quan tâm, sự lo lắng chu đáo cho nhau từ cái lớn đến cái nhỏ nhất giữa “gia đình lớn” này.
Sau khi phái đoàn Houston đã rời đi, chúng mình cũng được ngồi vào bàn, đọc kinh ăn cơm. Nói về các món ăn chay ở đây, mình thầm cảm ơn các Cô Bác, những ai đã tận tâm nấu cho chúng mình những bữa ăn đầy đủ. Giữa một nơi không có đầy đủ tiện nghi, nguồn điện, nguồn nước, nhưng từ sáng, đến tận khuya, thức ăn lúc nào cũng được sẵn sàng: từ món ăn chính đến tráng miệng. Và mình cảm thấy những người đầu bếp ấy không chỉ nấu để cả hội trại có thể ăn no, mà còn có thể ăn ngon. Trong một lần ăn bún chay, mình không quên câu anh Hy, một người trong ban Hướng Đạo Việt Hùng, có nói với cô Hồng trong đội của mình: “Ngày nào cũng có người nấu cho đồ ăn chay ngon như vậy, chắc con ăn chay luôn!”
Được biết hôm nay là ngày với nhiều hoạt động và trò chơi nhất, mình rất thích thú và nôn nao. Đầu tiên, chúng mình được Trưởng Đức hướng dẫn sơ qua về các cách ra hiệu, ý nghĩa của các hiệu còi. Tiếp theo, lần lượt được diễn ra, các trò chơi như nhảy nối đồ, đổ nước vào chai, bao bố, con rết, đi trên ván gỗ, ăn táo, thổi bong bóng được tham gia hết mình bởi cả 6 đội. Có lẽ hai trò chơi mà mình thích nhất là trò chơi nối đồ và ăn táo. Khi chơi nối đồ, tất cả các thành viên trong đội phải sử dụng những gì có trên người mình (quần áo, giày dép, đồng hồ…) để nối thành một đường càng dài càng tốt. Các bạn trong đội mình và cả các đội khác lúng túng tìm đồ trên người, cố gắng tận dụng hết mức có thể. Đến phút cuối cùng, hầu như các bạn trai trong tất cả các đội đều đã cởi trần, mọi người đi chân đất tuy trời vẫn còn se lạnh vào buổi sáng. Có người lại đang trách người trong đội “Trời ơi, bạn rút hết dây giày mình ra hồi nào vậy?!”
Trong trò chơi ăn táo thì ban đầu, một nửa quả táo được để sẵn trong một xô nước lớn. Yêu cầu của trò chơi là quả táo phải được chia đều ra và ăn bởi cả đội (chỉ bằng miệng, không được dùng tay), sau đó mọi người phải nhúng mặt mình vào xô nước cho ướt thì mới được công nhận là hoàn thành phần thi. Thế là không kể lớn bé, trai gái, nửa quả táo cứ được chuyền từ miệng người này qua người khác. Mình còn nhớ khi nửa quả táo của đội mình bị rơi xuống đất, bạn Xuân đã phải dùng răng để nhặt quả táo lên. Sau đó, vì thời gian gấp rút, nên tuy còn đất và cỏ trên miếng táo, mình cũng nhanh nhẹn cắn một miếng táo, rồi cố gắng dùng lưỡi để lừa cỏ ra. Phút cuối cùng, khi Phú, một em nhỏ 10 tuổi trong đội của mình đang nhai không nổi miếng táo lớn của mình, Xuân liền há miệng và nói “Đưa đây chị nhai cho!” Tuy mặt và tóc đã ướt đẫm, và có lẽ đó là miếng táo “kém vệ sinh” nhất mà mình từng ăn, mình biết tất cả mọi người đều có những tràng cười, những niềm vui không thể diễn tả được. Mình cảm thấy yêu quý hơn rất nhiều những người bạn trong đội Dưa Hấu của mình, vì ai cũng cố gắng, chẳng ngại ướt, ngại bẩn để cho đội mình có cơ hội chiến thắng!
Tuy toàn là những trò chơi, nhưng các Trưởng cũng đã tinh tế lồng vào đó bài học về kỷ luật, chẳng hạn như khi mỗi đội xong phần thi của mình, phải biết xếp vào hàng ngay ngắn và hô khẩu hiệu thì mới được công nhận là chính thức hoàn thành. Còn các đội thua mà không ngừng cố gắng để đến đích cũng được phát cho những tấm vé khích lệ cho đức tính kiên trì, không bỏ cuộc.
Để có thể tiết kiệm thời gian, Trưởng Dũng đã kết hợp bài giảng về “Đại Đạo Thanh Niên Hội” trong lúc mọi người ăn trưa. Có những bạn có tinh thần học hỏi, và một phần muốn giành điểm về cho đội của mình nên đã không ngại vừa ăn, vừa chép bài giảng vào giấy. Chúng mình được truyền đạt những thông tin cơ bản như ngày thành lập Đại Đạo Thanh Niên Hội, mục đích, tâm nguyện của Hội. Tiếp sau đó, chúng mình được học từ Trưởng Hoàng về kỹ năng lãnh đạo. Bài giảng lần này có vẻ thú vị hơn, nhất là với các em nhỏ, vì bất cứ ai lắng nghe rồi giơ tay trả lời đều được phát kẹo sô cô la. Từ tất cả những bài giảng chúng mình đã được học ở đây, mình thấy bài giảng nào cũng rất hữu ích và mới mẻ. Cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự truyền đạt lưu loát, dễ hiểu nhưng không gây áp lực của các Trưởng, các kiến thức như dễ hiểu và dễ tiếp thu hơn.
Khoảng một tiếng đồng hồ trôi qua, giờ đây ai cũng đã rất sẵn sàng cho phần trò chơi lớn. Gọi đó là trò chơi lớn, vì trò chơi có thể kéo dài đến hàng tiếng đồng hồ và bao gồm nhiều phần chơi. Cụ thể hôm đó, mỗi nhóm phải đi tìm mật thư, giải mật thư, di chuyển đến nhiều nơi khác nhau, tìm đúng người để lấy được gợi ý, và cuối cùng là tìm ra “kho báu”. Một trong những điều mình thích ở trò chơi lớn là nhiều kỹ năng phải được áp dụng vào trò chơi, thế nên mọi thành viên trong đội sẽ có cơ hội phát huy sở trưởng của mình, đóng góp vào thành tích của đội. Vì đã tham gia trò chơi lớn cách đây 3 năm ở Việt Nam nên mình cảm thấy khá quen thuộc với các bản mật thư. Tuy phải mất một ít thời gian để vận dụng trí óc nhưng phần mật thư được mình đảm nhận khá suôn sẻ.
Đến phần chơi oẳn tù tì, cả đội được một phen bất ngờ khi bé Cát Linh, một thành viên nhí đã giúp cả đội Dưa Hấu hạ gục một loạt các đối thủ đội khác, và cũng nhờ vậy nên đội mình có cơ hội được xuất phát sớm hơn. Còn David thì lại rất tinh mắt và nhanh nhẹn, tìm ra hộp mật thư được giấu kỹ trong gốc cây. Còn Khoa thì nhờ có kinh nghiệm nên lại mở được khoá rất nhanh và suôn sẻ trong khi trước đó, các thành viên khác trong đội loay hoay hoài mà không mở được. Trong xuyên suốt trò chơi, mỗi đội đều luôn sát cánh bên nhau, khi thì bàn bạc, chia nhau ra để đi tìm mật thư, khi thì cố gắng dìu dắt, động viên nhau chạy thật nhanh đến địa điểm tiếp theo. Tình đoàn kết từ những khoảnh khắc nho nhỏ như thế mà lại càng được thắt chặt hơn.
Có một lúc, khi đội minh được yêu cầu phải làm cho Trưởng Khoa cười thì mới được lấy manh mối. Thế là bé Xuân nhanh trí đã đề ghị cả đội hô to “Trưởng Khoa! Đẹp trai, đẹp trai, đẹp trai!” Phú, một thành viên 10 tuổi trong đội cũng đã làm mình rất bất ngờ khi trả lời rất lưu loát và to rõ được cho Trưởng Đức 5 điều tâm nguyện của Đại Đạo Thanh Niên Hội, những điều mà mình còn chưa bao giờ được học qua. Vì nhỏ tuổi nên Phú nhiều lúc rất nghịch ngợm hoặc không tập trung khiến các thành viên khác phải nhắc nhở. Nhưng sau khi nghe Phú trả lời, giúp đội vượt qua thử thách lần đó, mình càng được củng cố suy nghĩ rằng ai cũng có khuyết điểm và ưu điểm. Và hãy cho người khác cơ hội để phát huy ưu điểm, thay vì chỉ nhìn vào những lỗ hổng khuyết điểm của họ.
Nói về đội Dưa Hấu của mình, thì cũng phải nói đến những đội khác. Mình cảm thấy đội nào cũng thật thông minh và nhanh nhẹn, vì hầu như tất cả các đội đều giải mật thư nhanh như nhau, và luôn theo sát nhau ở các điểm đến. Có cơ hội được xem một video của Khôi, một cậu bé nhỏ tuổi nhất đến từ Thánh Thất Potland, lúc ở trong đoàn trên đường đi mình thấy Khôi rất ít nói nhưng khi đến tham gia Trại, Khôi đã nhanh trí “cứu bồ” cho anh trưởng nhóm khi anh loay hoay không biết làm sao cho Trưởng Khoa vui, Khôi tự nghĩ ra trò giả làm cây nấm, con gà,…để cả nhóm làm theo, các động tác vui nhộn, thú vị đã làm “xiêu lòng” Trưởng Khoa. Mình tin chắc rằng không chỉ có ở đội Dưa Hấu của mình, mà ở cả 5 đội khác, mỗi cá nhân đều đã có những cơ hội để toả sáng, mỗi đội đều đã có những giây phút thắt chặt bên nhau. Và cuối cùng, một lời cảm ơn lớn đến Michelle vì đã mang đến chiến thắng quyết định cho đội Dưa Hấu. Không biết bằng cách nào, nhưng Michelle đã tinh mắt tìm ra được kho báu cuối cùng của phần trò chơi. Tuy chỉ là một hũ rau câu nhỏ, nhưng đối với mọi thanh viên trong đội, đó thật sự là một “kho báu”. Những nỗ lực, mệt nhọc của mọi người đều đã được đền đáp. Mỉm cười để được các cô chú chụp hình luu niệm cho đội chiến thắng, giơ cao hũ rau câu nho nhỏ như một huy chương, mình cảm thấy khoảnh khắc đó thật đáng trân quý.
Tuy đã bị khuất phục bởi đội Dưa Hấu, nhưng về sau, 5 đội còn lại đã tỏ ra vượt trội hơn trong các trò chơi nhỏ sau đó như thắp lửa đốt đứt dây và làm tổ chim. Trong khi cả đội mình xoay sở xài hết que diêm này đến que diêm khác mà không cháy thì nhìn xung quanh, các đội Cóc, Xoài, Thanh Long, Dâu, Chanh lại rất khéo léo làm cho ngọn lửa bùng lên rất nhanh. Trong cả 6 đội, ai ai cũng chụm vào che gió, thổi lửa, người góp ý nên làm thế này, người bày nên làm thế khác, làm không nhí trở nên rất nhộn nhịp. Phần thi làm tổ chim để hứng trứng…gà cũng thú vị không kém. Đội thì dùng ba lô và lá khô, người thì dùng mũ, những que củi nhỏ và cỏ khô để đắp làm một chiếc tổ nhỏ. Tổ chim sẽ đạt yêu cầu khi cái trứng nhỏ được Trưởng Đức thả xuống không bị bể. Những ánh mắt đổ dồn vào cái trứng gà trong tay Trưởng Đức được nối tiếp bởi tiếng reo hò sau khi cái trứng nhỏ “đáp cánh an toàn”, hoặc cũng có những tiếng than thở dài não nề khi trứng bị vỡ toạc ra!
Buổi chiều vẫn được tiếp diễn không ngừng nghĩ với trò chơi nấu ăn. Được cung cấp một số nguyên liệu chay giống nhau như nấm, cà chua, cải bắp, đậu khuôn, các đội phải hoàn thành một món ăn trong vòng 20 phút. Về phần đội Dưa Hấu của mình, chúng mình được một phen thở phào nhẹ nhõm khi có cô Hồng, một người đảm đang và có vẻ rất rành về việc bếp núc. Khi nghe 20 phút, ai cũng lo lắng vì sợ không kịp, nhưng liền sau đó được cô Hồng trấn an với câu nói “20 phút là dư sức!” Để giúp một tay, các bạn trong đội mình cũng di chuyển không ngừng, người đi tìm dao, người đi lấy tô và muỗng nĩa, người gấp giấy ăn, trang trí sao cho thật đẹp. Các khu vực đội bạn cũng đang huyên náo không kém. Có bạn đứng cả lên ghế để nhìn quanh quất, tìm xem dụng cụ mình cần đang ở đâu. Có bạn thì đang hô hào để phân công cho mọi người đi lấy cho đủ nguyên liệu. Lại cũng có những bạn hình như lần đầu mới nấu ăn, vẻ mặt vừa lúng túng vừa sợ dầu bắn vào người, xoay sở hoài mà không xong.
Khi mang đồ ăn ra trình bày để chấm điểm, có lẽ vì các tư tưởng lớn gặp nhau nên các món ăn đa số có cách chế biến rất giống nhau. Tuy vậy nhưng phần trang trí lại rất khác ở mỗi đội, từ cách gấp giấy ăn, muỗng nĩa đến cách sắp xếp đồ ăn vào dĩa. Điểm số được chấm trên hai tiêu chí: mùi vị và hình thức. Có đội biết nêm nếm nên giành về điểm khá cao, cũng có đội khá vụng về, rau củ và đậu khuôn bị cháy xém khá nhiều. Tuy vậy, nhờ những lời khen cũng như những lời chọc ghẹo vui nhộn của các Trưởng, chúng mình đều có những tiếng cười sảng khoái. Vui hơn cả, để giành thêm vé, các đội phải cùng nhau ăn hết thức ăn của đội mình. Dù là chín hay sống, ngon hay không ngon, sáu bảy người chụm đầu nhau, người dùng nĩa, người bốc tay, cùng nhau ngấu nghiến những đĩa rau xào, húp sì sụp tô canh nấm của đội mình. Và thực tế, mặc dù không thể nào đậm đà bằng buổi cơm chính thức tối hôm đó, nhưng trong lòng của mỗi người, đĩa rau đội mình xào có khi lại là đĩa thức ăn ngon nhất của tháng đó cũng nên!
Sau buổi cơm tối giản dị và vui vẻ như thường lệ, các Trưởng và trại sinh thay đồng phục và chuẩn bị cho lễ Bế Mạc. Trong buổi lễ Bế Mạc này, chúng mình còn được chào đón một số Cô Bác khác, được biết là những người đảm nhận công tác quản lý ở các Thánh Thất, hoặc là những người đã giúp đỡ chúng mình bằng nhiều cách để có được những ngày trại vừa qua. Bài hát quen thuộc của cả hội trại lại được chúng mình cất lên. Lần này bài hát dường như đã trở nên quen thuộc hơn, từ giai điệu đến lời ca. Đó là bài hát đã đánh thức và mở đầu mỗi ngày mới của chúng mình, bài được phát đi phát lại mỗi ngày, giờ đã trở nên thân thuộc. Tiếp theo, phần phát biểu của Ban Tổ Chức cùng các Trưởng, nói lên những suy nghĩ, tâm tự, tình cảm dành cho chúng mình trong suốt hội trại cũng rất đáng nhớ. Các Trưởng đã giúp cho chúng mình những hiểu biết về tinh thần tập thể, sự kỷ luật, những trải nghiệm khi cùng nhau vượt qua các trò chơi một cách thông thạo, đã hy sinh những “ngày thơm tho, sạch sẽ” để lưu lại những tấm vé cho cả đội, đã có tinh thần hợp tác giúp hội trại thành công tốt đẹp.
Mỗi người, từ Ban Tổ Chức đến trại sinh đều được phát cho những tấm bằng có họ tên mình trên đó như là một công nhận về sự nỗ lực, cống hiến của mỗi người, và cũng thể hiện sự quan tâm của một đại hội lớn đến từng cá nhân nhỏ. Tiếp theo đó, các phần quà, các chiếc còi nhỏ được trao cho mỗi trại sinh, món quà nho nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn chứa đựng sự tin tưởng, kỳ vọng của cả thế hệ đi trước dành cho thế hệ trẻ hôm nay. Nhìn thấy những ánh mắt sáng, những nụ cười rạng rỡ của các bạn khi nhận được quà, mình có cảm tưởng như nó thật quý giá và đáng tự hào biết bao, vì thật nhiều mồ hôi, công sức của các bạn đã được đổ vào đó trong suốt ba ngày qua.
Lễ Bế Mạc được diễn ra và kết thúc ngắn gọn. Lửa trại lại được thắp lên. Các Trưởng, các Cô Bác, bạn bè nắm tay nhau thành vòng tròn, nhảy múa, vỗ tay hào hứng theo những bài nhạc được phát ra trên loa. Đôi lúc Trưởng Đức lại ngẫu hứng vui tính, hát lên mấy bài mà ai cũng phải phì cười. Ai đó còn phát ra những cây pháo hoa nho nhỏ. Ánh sáng vàng, lấp loé của pháo hoa phát ra trông thật thích mắt và diệu kỳ. Rồi cứ bài hát này nối bài hát khác, điệu nhảy này nối điệu nhảy khác, khúc gỗ này đến khúc gỗ khác được châm vào ngọn lửa đang phừng phực, mọi người cùng nhau hoà mình vào trong không khí lửa trại ấm áp. Tuy đã khuya nhưng bầu không khí quá vui tươi nên không ai muốn tắt nhạc, ngừng nhảy và không ai nỡ dập lửa, hay là vì mọi người cứ mặc đêm khuya mà vẫn nhảy say sưa vì biết đêm nay là đêm cuối được ở cùng bên nhau? Riêng mình chỉ muốn thức suốt đêm để nhìn những gương mặt ấy, những nụ cười ấy mà thôi. Rồi những số điện thoại, những địa chỉ email được trao đổi cho nhau. Có những bạn mình biết mặt nhưng chưa hề nói chuyện trong suốt buổi trại cũng đã đến gần và làm quen với mình.
Rồi sau đó, khi tất cả mọi người đã thấm mệt với những điệu nhảy, những câu chuyện ma rùng rợn được người này đến người khác kể ra. Những tiếng thét bất ngờ lắm lúc làm các bạn nữ giật mình, phải ngồi co ro sát vào nhau cho đỡ sợ. Dài nhất và đáng sợ nhất có lẽ là câu chuyện của Trưởng Khoa, vì có thêm sự trợ giúp của dàn âm thanh trên máy tính và tài kể chuyện hấp dẫn. Trong khi đó, còn có người trùm túi ni lông đen vào rồi đi hù doạ mọi người từ phía sau, làm mình cứ 5-10 phút cứ phải ngoái ra sau lưng một lần để đề phòng. Tưởng chừng có thể thức suốt đêm, nhưng cả ngày hoạt động thật nhiều làm chúng mình thấm mệt. Trên các dãy ghế dài cũng chỉ còn vài người. Khoảng 1:30 sáng, mình ngoái đầu lại nhìn lửa trại lần cuối rồi đi vào lều ngủ. Một cảm giác xao xuyến khó tả xuất hiện, rồi mình thầm nói “Ngày mai ơi, đừng đến mau…”
Nhưng sau một giấc ngủ say, sáng ngày hôm sau cũng đã đến chỉ trong một cái nhắm mắt. Sáng nay, mình cảm thấy tự giác hơn những ngày trước đó: mình thức dậy, đánh răng rửa mặt rồi tập hợp nhanh nhẹn hơn. Tuy không có gì thay đổi, nhưng mình cảm thấy bầu không khí bỗng nhiên vắng lặng và chùng xuống hẳn. Sau khi ăn sáng, tập hợp, chúng mình được xếp thành vòng tròn, nắm tay nhau hát bài hát “Tạm biệt”. Sau đó các trại sinh, các Trưởng trao những cái bắt tay, những cái ôm thật chặt cùng những lời chào thân ái cho nhau. Mình cảm thấy tiếc vì ba ngày trôi qua thật nhanh, nhưng những người mà mình lưu luyến nhất có lẽ là những thành viên trong đội Dưa Hấu của mình. Trong lúc gửi một cái ôm cho cô Hồng, những hình ảnh đẹp đẽ nhất về đội cũng thoáng hiện lên trong tâm trí mình: Những lúc cô Hồng và mình phê bình và nhắc nhở bé Phú nghịch ngợm, những lúc cả đội nhăn mày cáu mặt tranh luận ý kiến với nhau, những lúc mọi người nghiêm khắc nhắc nhau “Xếp hàng vô mau lên! Đừng nói chuyện nữa!” để giành những tấm vé quý giá, hoặc những lúc cả đội chụm lại để che kín cho mình giải mật thư, đề phòng “kẻ lạ” dòm ngó, cùng ánh mắt mong mỏi mật thư sẽ được giải nhanh cho cả đội đi tiếp. Hoà mình trong tình đồng đội ấy, mình thấy thân thương đến lạ.
Sau khi cùng nhau nhặt rác cho khuôn viên trại sạch sẽ như ban đầu và ký tên lên logo, đã đến lúc mọi người tạm biệt nhau. Khi xe bắt đầu lăn bánh, mình biết tất cả sẽ là những kỷ niệm vui tươi hồn nhiên và nhiệt quyết nhất mà mình đã và đang có. Những món ăn ngon, gương mặt hiền hoà, bài giảng thú vị, những trò chơi, tiếng reo hò, giọt mồ hôi, hay tình đoàn kết, thân ái như anh em; hay là những cuộc tranh cãi, những ngày mọi người cùng nhau than thở, “nín nhịn” vì không muốn dùng khu nhà vệ sinh...
Phải cảm ơn ai cho những điều mình vừa kể trên đây?
Đầu tiên, cảm ơn các Trưởng vì những chương trình hữu ích, vì những kế hoạch đã được các Trưởng ấp ủ từ lâu (vì xem trên hoá đơn thanh toán được dán trên tấm bảng nhỏ, mình để ý thấy ngày đặt cọc đầu tiên là từ tháng Tư). Cảm ơn các Cô Bác đã làm việc thầm lặng trong căn nhà nhỏ để mọi người có thể thưởng thức những món ăn ngon, và như ông bà ta vẫn thường nói “Có thực mới vực được đạo.” Cảm ơn chú Phạm Tú về bài hát ý nghĩa nhưng dễ nhớ đến nỗi một bạn trong phái đoàn Portland cứ ngân nga bài hát trong vô thức khi ngồi trên xe. Cảm ơn những chiếc camera âm thầm ghi lại những khoảnh khắc đáng quý. Cảm ơn các Cô Bác, những ai đã góp phần để cho Hội Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng được diễn ra, những người mà chúng mình có lẽ khó có dịp gặp lại một lần nữa. Cảm ơn Ban Hướng Đạo Việt Hùng vì đã thức những đêm trắng trông coi, bảo vệ cái khuôn viên trại nho nhỏ này để tất cả những người khác có thể yên giấc ngủ say. Và cuối cùng, mình muốn gửi đến những lời cảm ơn thân ái nhất đến tất cả những người bạn trại sinh, vì không có các bạn, những món ăn ngon sẽ không được thưởng thức, những nụ cười sẽ không được reo vang, những bài hát sẽ không được ngân nga, và không có các bạn thì cũng sẽ không có những kỷ niệm đẹp để mình ghi nhớ.
Ba ngày là không nhiều nhưng đầy ắp những trải nghiệm mà mình có cơ hội để học tập và giải trí hết mình. Chia tay tất cả mọi người, mình chỉ mong muốn có thể lại được nhìn thấy tất cả những gương mặt thân thương ấy một lần nữa vào một ngày nào đó. Hội trại đã đi qua, nhưng có người ở đây vẫn giở ra những tấm hình ấy, xem đi xem lại rồi thầm mỉm cười…