2010 - Mừng Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung

MỪNG LỄ HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG

Lê Minh Hoàng

Kính Quý Chức Sắc, Quý Chức Việc, Quý Huynh Tỷ Đệ Muội.

Hôm nay là ngày rằm tháng 8, cũng là ngày Tết Trung Thu, ngày Hội Thánh tổ chức Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung ở Toà Thánh Tây Ninh, tiểu đệ xin giảng sơ lược về sự xuất hiện và quyển năng của Đức Phật Mẫu, sự tích và ý nghĩa của Lễ Hội Yến Diêu Trì, và sau cùng là ghi lại những bài Thánh giáo của Đức Phật Mẫu và Đức Hộ Pháp.

SỰ XUẤT HIỆN CỦA PHẬT MẪU

Khi chưa có Trời Đất, trong vũ trụ chỉ có một chất khí mờ mờ mịt mịt, lặng lẽ vô vi, thanh trược hỗn hợp gọi là Khí Hư Vô. Khí Hư Vô ấy lần lần ngưng kết rồi nổ ra một tiếng thật lớn, sanh ra một khối Đại Linh Quang, cũng gọi là Thái Cực. Đấng ngự trên ngôi Thái Cực là Đức Chí Tôn. Đức Chí Tôn phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi (Dương Quang và Âm Quang). Đức Chí Tôn chưởng quản Khí Dương Quang và phân tánh ra Phật Mẫu làm chưởng quản Khí Âm Quang. Vũ trụ giờ đây có hai Đấng đầu tiên cầm quyền Càn khôn vũ trụ là Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu.

Đức Phật Mẫu đem Âm Quang phối hợp với Dương Quang, để tạo hóa ra các từng Trời, các quả tinh cầu và các địa cầu, tạo thành Càn khôn vũ trụ. Tiếp theo, Đức Phật Mẫu tạo ra Vạn linh nơi cõi Thiêng liêng vô hình. Vạn linh gồm đủ Bát hồn: Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn. Rồi Đức Phật Mẫu lại cho Vạn linh đầu kiếp xuống các Địa cầu tạo thành Vạn vật, tức là chúng sanh. Chúng sanh gồm kim thạch, thảo mộc, thú cầm, nhơn loại. Chúng sanh trải qua vô số kiếp ở thế gian để học hỏi, tiến hóa về tâm linh, đạt quả vị Thần, Thánh, Tiên, Phật. Như vậy Phật Mẫu tức là Mẹ sanh của tất cả vạn-linh và vạn vật.

PHẬT MẪU CHƯỞNG QUẢN DIÊU TRÌ CUNG

Đức Phật Mẫu ngự tại Diêu Trì Cung ở từng Trời thứ 9 trong Cửu Trùng Thiên là từng Tạo Hoá Thiên. Nơi đây có hằng hà sa số Chư Phật và Cửu-Vị Nữ-Phật tùng linh Phật-Mẫu, có nhiệm vụ dưỡng dục và giáo hoá chúng sanh để tiến hoá cho đến Phật Vị. Bát Nương dạy về Cung Diêu Trì như sau:

“Nơi Ao Diêu-Trì có một đài phát hiện Âm-Quang, đài ấy thâu lằng sanh-quang của Ngôi Thái-Cực, rồi đem Dương-quang hiệp với Âm-quang mà tạo nên Chơn-Thần cho vạn-linh trong càn-khôn vũ-trụ.

Phật-Mẫu là Đấng nắm cơ sanh hóa, thay quyền Chí-Tôn, đứng ra thâu cả Thập-Thiên- Cang đem hiệp với Thập-Nhị Địa-Chi mà tạo nên vạn-vật. Nơi Cung Diêu-Trì là nơi tạo nên Chơn-Thần và thể-xác đó vậy.

Diêu-Trì-Cung là cung điện bằng ngọc Diêu ở bên Ao Thất-Bữu chớ chẳng chi lạ. Ngọc tượng trưng cho sự quý giá, còn Diêu là chất hơi kết-tụ mà thành.

Dưới quyền của Phật-Mẫu có Cữu Tiên-Nương trông nom về cơ giáo-hóa cho vạn-linh, còn ngoài ra có hằng hà sa số Phật, trông nom về cơ phổ-độ mà Quan-Âm Bồ-Tát là đấng cầm đầu. Quan-Âm Bồ-Tát ngự tại Cung Nam-Hải ở An-Nhàn-Động. Còn Diêu-Trì-Cung thì ở tại Tạo-Hóa Huyền-Thiên.

Nơi Cung Diêu-Trì còn có một cõi Âm-quang riêng biệt gọi là Phong-Đô đặng giáo-hóa các Chơn-Thần đã bị lạc nẽo trên đường“

PHẬT MẪU BAN CHƠN THẦN CHO VẠN LOẠI

Con người ta có ba thể là: thể xác do Cha Mẹ sinh ra, Chơn Thần do Phật Mẫu ban cho và Chơn Linh (hay Linh hồn) do Đức Chí Tôn ban cho. Thể xác là vật hữu hình, Chơn Thần là bán hữu hình vì lúc thấy được, lúc không, còn Chơn Linh là vô hình. Các Đấng Thiêng Liêng giãng về Chơn Thần như sau:

“Đệ-nhứt xác thân là vật thể hữu-hình nó nuôi dưỡng Chơn-tinh, do đó, có bốc ra chất hơi gọi là Chơn-khí. Ví dụ, một nồi nước để lên hơi vậy. Chơn-khí ấy có một ánh sáng riêng của nó, gọi là hào-quang mà tiếng Pháp gọi là Aura. Nhờ hào-quang biến đổi hình sắc, mà nơi cõi hư-linh thấu triệt hành-tàng, tâm ý của mỗi người.

Chơn-khí là một điển-quang của thể xác bốc ra, nên nó dung-hợp với điển âm dương trong thể xác. Bỡi cớ, nó là trung gian tiếp-điển của Chơn-Thần, là của Phật-Mẫu và Chơn-Linh của Chí-Tôn. Khi thể xác bị ô-trược, thì Chơn-khí có một chất làm cho Chơn- Thần không tiếp được Nê-hườn-cung, tức là nơi phát sanh ý-chí. Còn như ý-chí xao-động, thì Chơn-khí phải xao-động, làm cho lạc điển của Chơn-Thần tiếp xuống. Chơn-khí là một khí chất trong Đệ-Nhị xác thân, cả Chơn-khí và Chơn-Thần hiệp lại mới đủ.

Chơn-Thần là một điểm linh của Phật-Mẫu sanh ra. Chơn-Thần đến với xác thân, đặng khai trí cho con người, theo bên Phật-Giáo gọi là Giác-Hồn đó. Cả Chơn-khí và Chơn-Thần thì gọi là cái Phách; còn riêng về Chơn-Thần thì gọi là Vía đó vậy. Chơn-Thần đến đặng giữ thể xác đặng trọn bước trên con đường tấn-hoá. Song vì bổn-chất của Chơn-Thần là Âm-quang, nên thường vì những nỗi khó-khăn của thể xác mà hay dung túng cho thể xác, được phù hạp với chất sanh của thể xác là thú-chất. Trong mọi người đều có thất-tình lục-dục, những tình-dục ấy phát sanh ra, do nơi lục-phủ ngũ-tạng, nhưng chủ của nó là Chơn-Thần đó vậy.

Khi Chơn-Thần kềm thúc không nỗi, thì lục-dục thất-tình dấy động, làm cho Chơn-khí tiết ra một chất ô-trược, khiến cho Chơn-Thần không đến đặng, mà chế ngự được nữa. Lấy ví-dụ là một kẽ có manh tâm làm điều gian ác, khi họ khởi thi-hành công việc ấy, họ được nghe một tiếng nói vô-hình mà người ta thường gọi là lương-tâm cắn rứt. Tiếng nói ấy là của Chơn-Thần đó vậy. Song kẽ ấy cố tâm làm công làm công-việc đã suy tính, và từ đó, không còn được nghe tiếng nói của Thiêng-Liêng kia nữa. Lúc đó là Chơn-Thần không còn đến được, bỡi Chơn-khí ô-trược ngăn cản.

Khi Chơn-Thần đã bị xác thân cải ý, thì Chơn-Thần phải theo luôn xác thân ấy, đặng kiếm phương gội rửa, bỡi cớ, những người gian ác khi được lời giảng dạy về hành tàng của người thì liền đó, có một lời nói vô-hình biểu phải cải hối. Thoảng như thể xác ấy được định tỉnh, thì Chơn-Thần chế ngự luôn lục-dục thất tình, mà cải thiện cho thể xác ấy, tiếng thường gọi đó là giác-ngộ vậy.

Còn luận về tội-lỗi, thì Chơn-Thần phải luôn luôn theo thể xác, bỡi cớ khi thể xác phải chuyển kiếp đến đâu, Chơn-Thần phải theo đến đó. Khi thể xác đã mất sự sống của nó thì điển của âm dương trong thể xác bay ra cùng với Chơn-Thần. Hễ là thể xác trong sạch thì khí dương hợp với Chơn-Thần bay về cõi Thiêng-Liêng và do nơi Nê-hườn-cung là cửa. Còn thể xác ô-trược thì khí âm tiết ra hợp với Chơn-Thần mà giáng xuống vật-chất đặng chờ cơ chuyển kiếp, mà do nơi đầu ngón chân cái là cửa’’

NGUỒN GỐC LỄ HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG

Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung được tổ chức theo sự tích có từ năm 1925, khi chưa khai Đạo. Lúc đó Đức Chí Tôn còn ẩn danh chỉ xưng là Đấng A Ă Â và Thất Nương thường xuyên về cơ để dạy Đạo cho ba Ngài Cao Huỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang. Thất Nương tiết lộ cho biết chút ít về Diêu Trì Cung nơi cõi Thiêng Liêng, trên hết có Cửu Thiên Nương Nương cai quản, dưới có Cửu vị Tiên Nương phụ tá, mà Cô đứng hàng thứ 7, gọi là Thất Nương và Hớn Liên Bạch là Bát Nương.

Ba Ngài xin Cô cho biết cách cầu Cửu Thiên Nương Nương. Thất Nương bằng lòng và dạy ba Ngài phải ăn chay, tìm cho được Ngọc Cơ và phải làm ba bài thơ đón mừng Cửu Thiên Nương Nương. Đấng A Ă Â còn dạy ba Ngài làm một cái tiệc chay để đãi 10 Đấng Vô hình nơi Diêu Trì Cung là Cửu Thiên Nương Nương và 9 vị Tiên Nương. Đấng A Ă Â còn dạy cách sắp đặt bàn ghế và trang hoàng nhà cửa.

Đúng đêm Trung Thu, rằm tháng 8 năm 1925, Cửu Thiên Nương Nương và 9 vị Tiên Nương đến dự tiệc, Thất Nương xin 3 ông đờn, rồi mỗi người ngâm bài thi của mình làm đặng hiến lễ, còn Cửu Thiên Nương Nương và 9 vị Tiên Nương an vị mà nghe. Chừng nhập tiệc, Thất Nương lại mời 3 ông ngồi chung vào cho vui. Sau khi tiệc tàn Cửu Thiên Nương Nương và 9 vị Tiên Nương để lời cảm tạ và hứa rằng: "Từ đây đã có Ngọc cơ rồi thì tiện cho Diêu Trì Cung Cửu Cô đến dạy việc."

Ý NGHĨA HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG

Trong Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ những bật chân tu phải cố công vất vã, cực khổ gay go không biết mấy trăm ngàn kiếp, chịu khổ hạnh hy sinh đi tìm Đạo và phải đặt mình vào phẩm hạnh của các bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật thì mới mong đạt Đạo. Những bậc chân tu ấy nếu đạt Đạo được khi về đến đến Diêu Trì Cung sẽ được Đức Phật Mẫu làm tiệc Hội Yến Bàn Đào để khoản đải, và ban cho Đào Tiên và Rượu quý. Sự khó khăn trong việc tầm Đạo và đạt Đạo này làm cho các đạo giáo chỉ độ được 8 ức (8 trăm ngàn) Nguyên Nhân trong Nhứt và Nhị Kỳ Phổ Độ mà thôi.

Ngày nay trong Tam Kỳ Phổ Độ, thời kỳ đại ân xá, Đức Chí Tôn ra lịnh Đức Phật Mẫu lập Hội Yến Diêu Trì nơi cõi thế gian này để tạo cơ quan đắc Ðạo tại thế mà tận độ hết các ức Nguyên Nhân, hoá nhân và quỉ nhân. Thật là một Hồng Ân to lớn của Đức Chí Tôn ban cho nhân loại!

Hội Yến Diêu Trì là ngày chúng ta hội hiệp cùng người MẸ Thiêng Liêng của mình, dâng Hoa, Quả, Rượu, Trà lên Đức MẸ và Đức MẸ sẽ ban tặng lại Hồng Ân của Ngài, làm cho tâm Đạo phấn chấn thêm, làm động cơ thúc đẩy con cái mau tiến hóa trên bước đường tu niệm, sớm trở về hội hiệp cùng Phật Mẫu. Một khi được hội hiệp cùng Phật Mẫu thì tức nhiên là đắc Đạo. Xin ghi lại lời dạy của Đức Hộ Pháp về Bí Pháp Hội Yến Diêu Trì Cung như sau:

“Chính mình Ðức Chí Tôn biểu Ðức Phật Mẫu tức nhiên Mẹ sanh của chúng ta cầm cả quyền năng giải thoát trong tay đến lập Hội Yến Diêu Trì tại mặt thế nầy và cả con cái của Ngài, nhứt là 92 ức nguyên nhân ấy, nếu nhập vào cửa Ðạo tùng theo chơn pháp thì đặng hồng ân của Ðức Chí Tôn cho hưởng cái Bí Pháp Hội Yến Diêu Trì tại thế nầy.

Cái cơ quan siêu thoát thiên hạ đã đặt trong tay họ sẵn, tức nhiên giờ phút cuối cùng này là giờ phút hứng thú, giờ phút chết của họ, thì họ đạt vị một cách dễ dàng, ngôi vị nào cơ quan siêu thoát Ðức Chí Tôn đã cho không họ đó vậy. Nhờ đó mà cơ quan tận độ vạn linh của Ðức Chí Tôn đã lập tại thế nầy, từ đây sẽ mở rộng cửa Thiêng Liêng Hằng Sống đặng đến gom góp cả con cái của Ngài, trở về hội hiệp cùng Ngài, bí pháp Hội Yến Diêu Trì là vậy đó’’

VÀI BÀI THÁNH NGÔN CỦA ĐỨC PHẬT MẪU

· Đức Phật Mẫu dạy tu là lo cho chúng sanh trước, lo cho mình sau

“MẸ vui được thấy các con biết lo cho chúng sanh tức là lo cho mình vậy. Mình tu cho chúng sanh, mình lập vị cho chúng sanh, tức là mình lập vị cho mình. Phải hiểu cho rõ, nếu chúng sanh chưa ai đắc đạo thì ta phải cầu nguyện cho người đắc đạo trước ta.

Nếu mình cứ mong cho cao phẩm giá, tức là trái với Thiên ý, mình phải hằng ngày trau giồi tánh đức, lo chung cho thiên hạ, ấy là phương pháp tu tắt đó.

Thường ngày công phu mà mình chất chứa tánh tự kiêu thì cũng không mong đắc Chánh quả được, bất quá đắc một vị Địa Tiên đó thôi.

Vậy muốn cho hoàn toàn thì rán tập cho biết trừ các điều xấu xa, tập thường ngày tầm Chơn lý, kiếm hiểu huyền vi, răn mình hằng bữa, đó là đường chánh sáng láng cứ lo bước tới’’

· Đức Phật Mẫu dạy phú quí là cạm bẫy để đẩy chúng ta xa lìa Đạo

“Các con chưa rõ cái mùi phú quí cao sang nơi thế nầy là cái bẫy để gài những bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật, phải sa đọa không mong đắc quả. Bởi cớ ấy mà đứa nào đặng hưởng lộc cao quyền cả thì MẸ lại lo cho đứa ấy sẽ quên cội bỏ nguồn, đành thả trôi chơi vơi nơi bể thảm. Trong đám nầy chỉ có một số ít đứa biết hối ngộ tu tâm, chun vào cửa Phật, cũng lắm đứa miệng niệm Nam mô mà lòng lại cay nghiệt đè ép kẻ yếu thế cô, đương thâu của bá gia về tấn cúng, lòng ham tưởng chúng khen ngợi mà không kiếm hiểu câu tội phước công bình kia.

Trời Phật, Thánh Thần chẳng đòi, không biểu lễ cúng chi cả. Các con vì lòng tín ngưỡng, chẳng biết điều chi, tạm dùng lễ để cung kính, rốt lại để khoe mình và để chìu theo thói phàm tục.

Các con hiểu Đạo, MẸ chẳng nói nhiều, các con khá suy nghĩ. Chư Tiên, chư Phật cùng các Đấng Thiêng liêng chỉ dùng Tâm trong sạch, tín ngưỡng kỉnh thành, ấy là một vật báu để hiến lễ đó’’

VÀI LỜI DẠY CỦA ĐỨC HỘ PHÁP VỀ PHẬT MẪU

· Đức Hộ Pháp dạy người khôn ngoan nên cầu xin nơi Phật Mẫu

“Như Cha Mẹ phàm nầy, ông cha duy nhứt điểm tinh, còn huyết khí do bà mẹ đào tạo mà có. Ðức Chí Tôn duy cho nhứt điểm linh, còn tạo nên trí não và xác thịt của ta ra hình tướng là do tay của Phật Mẫu.

Hai cái quyền ấy rất cao trọng, hễ khôn ngoan muốn cầu xin cho được siêu thoát linh hồn thì không ai hơn Ðức Chí Tôn, còn về phần xác thịt nếu đau đớn khổ sở mỗi mỗi cái đều xin Mẹ thì chắc hơn hết. Có nhiều điều ta đến xin với Mẹ thì Mẹ cho chớ xin Cha thì không đặng, phải vậy không?

Nhứt là nữ phái tâm hồn phải nương theo Phật Mẫu một cách mạnh mẽ hơn nữa hoặc sanh con cũng được mạnh giỏi hoặc chính thân thể mình không được tráng kiện hoặc đức tin còn yếu ớt sao không đến xin Mẹ, chỉ có Mẹ mới đủ quyền năng ban ơn ấy cho. Còn như mấy em nhỏ đã có vợ chồng thì nên phụng sự Ðức Mẹ mà cầu xin cho sinh đặng con tốt, cho đấng nào đến nơi cửa của mình sẽ là một Chơn Linh cao siêu, đó là biết khôn đó chớ, nếu mà chúng ta quả quyết có điều ấy thì tự nhiên có như vậy.

Ấy vậy qua nói rằng: Trong cả mấy em đây, nếu có đứa em nào thiếu thốn cả tinh thần và vật chất, thiệt thòi nghèo khổ, tật nguyền, Qua dám chắc bà Mẹ Thiêng Liêng của chúng ta sẽ vui ở với những kẻ ấy lắm vậy. Qua chỉ cho mấy em một cái Bí Pháp là khi nào mấy em quá thống khổ, quá đau đớn tâm hồn, mấy em đừng vội sầu thảm, các em quì xuống giữa không trung, các em nguyện với Bà Mẹ Thiêng Liêng ấy một lời cầu nguyện, Bần Ðạo quả quyết rằng: Bà chẳng hề khi nào từ chối cùng mấy em. Qua đã thử nghiệm rồi, cả toàn con cái của Ðức Phật Mẫu thí nghiệm như Qua thử coi”

· Đức Hộ Pháp thuật lại lúc Ngài vào Diêu Trì Cung bái kiến Đức Phật Mẫu

"Bần đạo nói sơ lược huyền năng thế nào, mà khi chúng ta vào kiến diện Đức Phật Mẫu, ta ngó trên mặt Ngài, ta thấy mặt bà mẹ ta, sanh ta, đương như buổi sống, đương lo buổi trở về. Bần đạo tưởng ngó thấy bà mẹ sanh Bần đạo, tưởng cả thảy cũng đều ngó thấy người mẹ của họ vậy. Nếu lấy theo cái trí học tưởng tượng không biết con mắt thiêng liêng có chiếu hình mẹ ta chiếu diệu ra không? hay là Huyền diệu vô biên của Phật Mẫu cho chúng ta thấy như vậy.

Bà mẹ hình hài chúng ta đây là nhơn viên của Đức Phật Mẫu đó.... Có điều trọng hệ là dầu Nam Nữ cũng vậy, rán giữ một điều nầy: Coi chừng đừng thất hiếu với cha mẹ. Ngày mình ngó thấy hình ảnh Đức Phật Mẫu thì thấy người Mẹ nhơn từ, hiền hậu vô cùng, hạnh phúc mình được hưởng đó; còn trái ngược lụng lại, nếu ta thất hiếu, ta dòm vào hình ảnh của Phật Mẫu, ta thấy nét mặt nghiêm nghị và lãnh đạm, chúng ta sẽ hết sức đau khổ ..."

KẾT LUẬN

Để chấm dứt bài giảng Đạo đêm nay tiểu đệ xin được đọc một đoạn thơ của Đức Phật Mẫu. Tiểu đệ mong rằng khi ghe xong bài thơ này chúng ta hãy ráng lo tu hành, lập công bồi đức để sớm trở về với Đức Phật Mẫu, người MẸ Thiêng Liêng của chúng ta. Xin chân thành cảm ơn tất cả Quý Huynh Tỷ Đệ Muội

"Đem con trẻ trở về Tiên cảnh,

Chọn linh căn tánh hạnh thuần lương.

Long Hoa sắp soạn khai trường,

Thi tài chọn đức, con bươn kịp giờ.

Nhìn kỹ lại con thơ MẸ thảm,

Ruột chín chiều đòi đoạn thắt đau.

Thấy con lòng Mẹ xót xao,

Con ơi Con hỡi! Con nào thấu chăng?

Nhắc đến đây khó dằn giọt lệ,

Thương con khờ chẳng kể thân già.

Nước non chớn chở bao la,

Quyết tìm một gậy mệt già viếng con.

Đối với trẻ cho tròn phận MẸ,

Mượn vần thơ thỏ thẻ đêm khuya.

MẸ khuyên em chị chớ lìa,

Học gương Diệu Thiện danh bia lưu truyền.

MẸ dành để Đào Tiên cho trẻ,

Rượu bồ đào tay lẹ con nâng.

Mây vàng sẵn chực bên chân,

Đưa đường Tiên cảnh, Chín từng hồi nguyên.

MẸ từ giã.

Từ giã các con ở lại trần,

MẸ về Tiên cảnh dạ bâng khuâng.

Khuyên con gắng chí lo tu niệm,

Dứt điễn MẸ mau tách dặm lần. "

Quyền Đầu Tộc Đạo

Lê Minh Hoàng

Bài biên soạn trên trích từ những tài liệu sau đây

· Bài Thuyết Đạo Đức Hộ Pháp - Đức Hộ Pháp

· Bí Pháp Hội Yến DTC - Giáo Hữu Thượng Màng Thanh

· Báo Ân Từ & Hội Yến DTC - Kim Hương

· Ngôi Thờ Đức Phật Mẫu - Tùng Thiên - Từ Bạch Hạc