Bổn Tích Địa Tạng Vương Bồ Tát

Tử Liên

Trong Phật Giáo, Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát là một những vị Bồ Tát được biết đến với sự tích Mục Liên Thanh Đề và ngày rằm Trung Ngươn tháng 7 lễ Vu Lan báo hiếu.

Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát hiện thân ở muôn ngàn số kiếp và hằng hà sa số thế giới để tận độ tất cả chúng sanh điều được giải thoát. Ngài đã lập đại nguyện rằng: “Địa Ngục mà còn chúng sanh thì ngài chẳng thành Phật”. Trãi qua bao nhiêu số kiếp, không biết bao nhiêu chúng sanh chứng quả thành Phật , riêng chỉ có Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, vì lòng đại từ đại bi tha thiết vô tận cứu độ chúng sanh, vẫn chưa thành Phật. Do lời đại nguyện ấy, Đức Chí Tôn phong Ngài làm U Minh Giáo Chủ, độ rỗi các linh hồn tội lỗi bị đọa o U Minh Địa Giới.

Thất Nương DTC giáng cơ nói với Đức Phạm Hộ Pháp (Thất Nương xưng Em) về Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát:

"Ngày Hội Ngọc Hư lo tiếp pháp của Tây Phương Cực Lạc, Em đặng nghe thấy những lời của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát than thở rằng: Ngài là Phật, nên khó gần gũi các hồn nữ phái mà khuyến giáo cơ giải thoát mê đồ. Bởi cớ nơi Âm Quang, nữ hồn còn bị luyện tội nhiều hơn nam phái bội phần.

Em lại nghe Người ước rằng: Chớ chi có một Đấng Nữ Tiên dám đảm đương đến phổ tế mới mong tận độ chư vong của Phong Đô thoát kiếp. Em mới để dạ lo lường, cả lòng lân ái đến đó, Em đã chán thấy nhiều tội tình chẳng trọng hệ, song có hồn chịu sầu thảm lạ thường. Em đã liệu nhiều phương thế cho từ đây, mấy chơn hồn có bề dễ tránh khỏi cửa Âm Quang hãm tội." (Trích TNHT)

Sự Tích Mục Kiền Liên

Vào thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế, trong một ngôi làng nhỏ gần thủ đô vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha, nay là thuộc tiểu bang Bihar Ấn Độ), có một đứa bé chào đời tên gọi là Kolita Moggallàna (sau này là Đại Đức Mục Kiền Liên).

Kolita xuất thân trong dòng dõi đại gia tộc Bà La Môn, một giai cấp cao quý. Tuổi thiếu thời, Kolita được giáo dục hoàn hảo và sống trong sang giàu và đầy nhựa sống. Một hôm Ngài cùng người bạn là Upatissa, Xá Lợi Phất, đi dự “Hội Sơn Thần”. Sau những bi Kich Sanh Tử Biệt Ly, hai Ngài không cảm thấy sự vui thú giữa cuộc đời khi mà vòng Sanh Tử vẫn tiếp diễn. Kolita cùng Upatissa quyết định tìm con đường giải thóat bằng cách thoát ly gia đình và giai cấp để bước vào còn đường khất sĩ du phương. Trãi qua biết bao nhiêu năm tầm Đạo từ nhiều vị Giáo chủ với nhiều triết lý khác nhau. Một số chủ trương Vô Đạo Đức, một số thuyết về Định Mệnh, một số khác truyền bá Duy Vật. Nhưng các vị Tôn Sư này không thể đưa ra giải pháp của sự giải thoát luân hồi, Sanh Lão Bịnh Tử. Kolita và Upatissa cảm thấy sự sai lầm của những giáo thuyết nầy, nên hai Ngài quyết định từ bỏ đời khất sĩ du phương trở về quê hương Ma Kiệt Dà.

Nhằm lúc ấy Đức Phật Thích Ca bắt đầu chuyển Pháp luân và truyền bá chân lý. Tình cờ Upatissa gặp một vị Sa Môn là TrưởNg lão Assaji, một trong những đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Sau những lời giáo lý thuyết giải về Tứ Diệu Đế của vị Sa Môn, Upatissa liền đắc Pháp Nhãn. Rồi Upatissa về thuật lại cho Kolita, và Ngài cũng đắc Pháp Nhãn. Họ đã giác ngộ rằng “cái gì có sanh ra đều phải tan biến”. Hai Vị đã đến đãnh lễ Đức Phật Thích Ca vì chỉ có Đức Phật mới là bậc Giác Ngộ giải thoát được cái vòng Luân Hồi Sanh Tử. Sau này, ngài Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất được vào hàng Thập Đại Đệ Tử đầu tiên của Đức Phât. Tôn Giả Mục Kiền Liên được công nhận là đệ nhất Thần Thông, với những câu chuyện bắt cầu đưa khách sang sông hoặc dời núi Tu Di.

Sự Tích Mục Liên Thanh Đề và Lễ Vu Lan

Mẹ của ngài Mục Kiền Liên là bà Thanh Đề, nguyên vì bà ta là một người gian ác, điêu ngoa, bỏn xẻn, và nói dối. Khi Thanh Đề chết đi, bà bị sa xuống địa ngục. Trong lúc dùng thiên nhãn nhìn vào địa ngục xem các loài quỷ thọ phạt, Mục Kiền Liên bỗng nhớ tới mẹ, liền đưa mắt tìm kiếm thì thấy thân mẫu ốm như một bộ xương. Tôn Giả dung thần thông đưa một bình bát đầy cơm đến cho mẹ. Nhưng khi bà vừa định ăn thì cơm biến thành than đỏ rực. Tôn Giả rơi lệ và đến than thở với Phật.

Đức Phật nói: “Này Mục Kiền Liên, tấm lòng hiếu thảo của thầy rất đáng khen, nhưng lúc còn sanh tiền, mẹ thầy không sợ luật nhân quả. Tham, sân, si đều có đủ; lại còn dối gạt nhiều người. Tội ấy không thể dùng sức của một cá nhân mà cứu được. Thầy hãy nương oai thần của nhiều vị tăng mà giúp mẹ. Vào ngày Rằm tháng Bảy, cũng là ngày lễ Tự Tứ của chư tăng. Thầy hãy tổ chức một buổi lễ để chư tăng chú nguyện, hộ niệm cho cửu huyền thất tổ và mẹ thầy”.

Ngài Mục Kiền Liên làm theo lời Phật dạy. Ngày rằm tháng Bảy năm đó, thân mẫu của Mục Kiền Liên được thóat nạn. Mục Kiền Liên cảm kích ân Phật, khuyến khích người thế gian hàng năm Rằm tháng Bảy tổ chức lễ Vu Lan, cúng dường Tăng Chúng mười phương hội về, tụng kinh Vu Lan Bồn báo hiếu cho cha mẹ và cửu huyền thất tổ (trích từ quyển Thập Đại Đệ Tử).

Gương Hiếu Hạnh

Địa Tạng Vương Bồ Tát và Thất Nương

Trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ , Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát và Thất Nương Diêu Trì Cung được giao xứ mạng giáo hóa và độ rỗi các đẳng linh hồn tội lỗi từ cõi U Minh Giới .

Về phần Nam hồn, được Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát giáo hóa và cứu rỗi.

Trong Kinh Cầu Siêu có câu : Đại Thánh Địa Tạng Vương Bồ Tát Bố từ bi tế bạt vong hồn .

Hoặc trong Kinh Đưa Linh Cữu có câu : Nam- Mô Địa Tạng thi ân, Đưa đường Thiên-cảnh, lánh gần Phong Đô.

Riêng Nữ hồn vì do Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát khó thể gần gũi để khuyến giáo, nên Thất Nương Diêu Trì Cung đảm trách nhiệm vụ cứu rỗi Nữ hồn nơi cõi Âm Quang.

Trong Kinh Tán-Tụng Công Đức Diêu Trì Kim-Mẫu có câu :

Thất-Nương khêu đuốc Đạo đầu. Nhờ Người gợi ánh nhiệm-mầu huyền vi .

Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát và Thất Nương Diêu Trì Cung là tấm gương soi sáng cho sự hiếu đạo làm con và từ bi bác ái độ tận các vong hồn sa đọa nơi cõi Địa Ngục. Sau đây xin kể lại tiền thân của Đức Địa Vương Bồ Tát và kiếp sanh của Thất Nương Diêu Trì Cung để nói lên sự tương quan đồng cảm của Hai Đấng hiếu hạnh.

Tiền Thân của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát

Hồi đời quá khứ, lâu xa lắm, có Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương ra đời. Sau Đức Phật ấy nhập diệt, rồi đến thời kỳ Tượng pháp, Ngài Địa Tạng, lúc ấy chưa chứng vị Bồ Tát, sanh làm con gái dòng Bà La Môn ở Ấn Độ.

Thân mẫu của nàng thì tin theo ngoại đạo, thường đem lòng tà niệm khinh khi Tam bảo, đã không tin nhân quả nghiệp báo mà còn chê bai chánh pháp nữa. Khi đó, nàng biết thế nào mẹ mình khi chết cũng phải bị đọa, nên hết sức khuyên can, nhưng thân mẫu nghiệp ác dẫy đầy, đạo tâm nông cạn, chẳng chút nghe nàng. Ôi! Chẳng bao lâu, bà nhuốm bịnh và chết. Thần hồn bà theo nghiệp ác mà bị đọa vào Vô Gián Địa Ngục.

Còn phần nàng, nỗi thương mẹ, nỗi sợ mẹ bị đọa Địa ngục, nên nàng bán hết nhà cửa ruộng vườn, rồi mua sắm đủ các thư hương hoa và đồ quí báu đem đến chùa Phật mà cúng dường. Lúc nàng vào chùa lễ Phật, nàng thấy tượng của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai rất oai nghiêm, linh động như vị Phật sống, lòng nàng bội phần kính ngưỡng.

Nàng lễ Phật xong thì nghĩ rằng: Phật là bực Đại Giác, đủ trí sáng suốt, hiểu thấu các lẽ, nếu được Phật chỉ dẫn thì ta có thể biết được mẹ ta sanh về đường nào và nhờ Phật từ bi chỉ bảo cho ta biết cách cứu mẹ ta thì đâu có bi thảm như thế nầy.

Nàng nghĩ như vậy rồi thì cứ đứng nhìn sửng tượng Phật mà khóc, dường như tỏ lòng cầu khẩn Đức Phật thi ân cứu độ.

Thoạt nghe giữa thinh không có tiếng gọi rằng: "Nàng thiện nữ kia, đừng buồn rầu khóc lóc nữa, ta sẽ chỉ cho biết chỗ thác sanh của mẹ người."

Nàng nghe nói như vậy liền chấp tay ngửa mặt lên không bạch: "Từ khi mẹ tôi mất đến nay, ngày đêm thương nhớ, không biết hỏi ai cho rõ chỗ thác sanh của mẹ tôi, nay không biết Đức Thánh Thần chi có lòng đoái thương như vậy?"

Giữa thinh không lại có tiếng đáp: "Ta là Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà ngươi vừa cúng dường và bái lễ đó. Vì thấy ngươi có lòng chí hiếu nên ta đến đây chỉ bảo."

Nàng liền bạch giữa thanh không: "Xin Phật từ bi chỉ giùm chỗ thác sanh của mẹ tôi, và xin cứu giúp mẹ tôi."

Khi ấy Đức Như Lai nói: "Ngươi cúng dường và lễ bái xong, mau trở về nhà, ngồi ngay thẳng và yên lặng, niệm danh hiệu ta thì tự nhiên biết được xứ sở của mẹ ngươi thác sanh."

Nàng lễ Phật xong liền trở về nhà, tắm rửa sạch sẽ rồi nàng ngồi thiền định, niệm danh hiệu của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Nàng thiền định được một ngày một đêm thì thình lình xuất thần đi đến một chỗ bờ biển kia, nước cuộn cuộn sôi tràn, sóng dợn ba đào, thấy nhiều giống ác thú mình bằng sắt nhảy nhót chạy trên mặt biển, lại thấy cả ngàn người đàn ông đàn bà, trồi lên lặn xuống trong biển ấy, bị những thú dữ kia giành giựt cấu xé mà ăn thịt. Còn bọn quỉ Dạ xoa có hình thù kỳ dị, xua đuổi đám người ấy cho thú dữ bắt, xé xác ăn thịt. Cảnh tượng thật là ghê gớm.

Nàng nhờ niệm Phật nên được Phật hộ trì, nên nhìn cảnh ấy mà không sợ hãi chi cả.

Xảy đâu có một Quỉ Vương tên Vô Độc, thấy hình tướng của nàng chẳng phải người phàm, bèn đến trước mặt nàng hỏi:

- Dám hỏi Bồ Tát vì duyên cớ nào đến đây?

- Chỗ nầy kêu là xứ gì?

- Đây là biển nghiệp thứ 1, ở phía Nam núi Thiết Vi.

- Ta nghe nói trong núi Thiết Vi có Địa ngục ở chính giữa. Việc nầy có không?

- Quả thiệt có Địa ngục, chớ không phải huyễn hoặc.

Nàng nghe Quỉ Vô Độc nói như thế thì rất kinh nghi, liền hỏi tiếp rằng:

- Địa ngục là nơi để giam giữ và trừng phạt người có tội, còn ta đây, có lòng kính ngôi Tam Bảo, mà duyên cớ gì ta cũng đến chỗ nầy?

- Phàm người đi đến đây có hai cách: Một là có oai lực thần thông, đến cứu độ mấy người tội khổ hay là đến chơi cho biết; hai là những người tội ác bị giải đến đây chịu khổ.

Nàng lại hỏi nữa rằng:

- Nước biển nầy sao lại trào lên hoài, còn ở trong biển thì có nhiều tội nhơn lặn xuống trồi lên bị thú dữ xâu xé ăn thịt như thế?

- Đây là chỗ nhốt những kẻ tạo ác nơi cõi Diêm Phù Đề, nên khi chết rồi, cái ác nghiệp chiêu cảm khổ báo mà đến đây chịu đày đọa. Ở phía Đông biển nầy, cách chừng 10 vạn do tuần, lại có một cái biển nữa, còn ở phía Tây cũng có một cái biển nữa, sự đày đọa chúng sanh còn khổ hơn tại đây bội phần, thảm thiết không kể xiết. Những người thọ khổ là do khi sống nơi thế gian tạo quá nhiều nghiệp ác.

- Còn Địa ngục ở chỗ nào?

- Ở giữa ba cái biển nghiệp ấy là chỗ Địa ngục. Nếu kể riêng ra thì nhiều đến cả trăm ngàn, mà sự thọ khổ mỗi nơi mỗi khác, như nói về ngục lớn thì có 18 chỗ, ngục trung thì có 500 chỗ, ngục nhỏ thì có cả ngàn chỗ. Sự khổ đau trong các ngục ấy không biết bao nhiêu mà kể.

Nàng lại hỏi Quỉ Vô Độc:

- Mẹ ta khi chết đến nay tuy chưa bao lâu, nhưng chẳng biết thần hồn đi đến chỗ nào?

Quỉ Vô Độc nói:

- Chẳng hay mẹ của Bồ Tát lúc sanh tiền làm những nghiệp gì?

- Mẹ ta trước nhiễm theo tà kiến, chê bai Tam bảo, hủy báng Phật giáo, không nghe điều thiện.

- Vậy mẹ của Bồ Tát tên họ là chi?

- Cha ta là Thi La Thiện Hiện, còn mẹ ta tên là Duyệt Đề Lị, đều là dòng dõi Bà La Môn cả.

- Xin Thánh giả trở về bổn xứ, chẳng cần buồn rầu thương nhớ mẫu thân vì số là bà Duyệt Đề Lị đã khởi sự chịu khổ nơi Địa ngục nầy, nhưng nhờ con của bà hết lòng hiếu thảo, lập đàn tu phước và cúng dường nơi tháp của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai nên mới cảm đến Phật Thánh mà được sanh về cõi Trời rồi. Chẳng những thân mẫu của Bồ Tát nhờ phước đức đó mà khỏi đọa Vô Gián Địa ngục, đặng sanh lên cõi Trời mà thôi, cho đến những người đồng thọ tội ở đó cũng nhờ duyên phước ấy đều đặng sanh về cõi Thiên đàng trong ngày đó nữa.

Quỉ Vô Độc nói đến đây thì chấp tay cung kính xin rút lui. Còn nàng thì dường như chiêm bao tỉnh giấc, mới rõ việc nầy là nhờ Phật lực, đưa nàng đến chỗ Địa ngục để biết về chỗ thác sanh của mẹ nàng.

Nàng cảm đội ơn Đức Phật, liền đến bửu tượng của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, phát lời đại nguyện:

"Nay tôi nguyện cho đến kiếp vị lai, nếu có chúng sanh nào tạo tội mà bị khổ nơi Địa ngục, bất luận là kẻ thân thuộc hay người cừu oán chi, thì tôi lập ra nhiều pháp môn phương tiện để cứu độ cho tất cả được giải thoát."

Kiếp Sanh của Thất Nương (Vương Thị Lễ )

Ngày 22-11-Đinh Hợi (1947), Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa thuyết đạo tại Đền Thánh về Luật Công Bình Thiêng liêng, nói Ngọc Hư Cung có cho biết rằng:

"Vào năm 1929, Cô Thất Nương (Vương Thị Lễ) hay tin thân phụ là Vương Quan Trân qui liễu, bị tội đọa nơi Diêm Cung. Cô Thất Nương lén bỏ Diêu Trì Cung đặng đi xuống Diêm Cung để thức tỉnh cha của Cô.

Vì phế phận, nên Ngọc Hư Cung bắt tội Thất Nương, làm cho Diêu Trì Cung náo nhiệt, nhứt là Bát Nương, sợ cho Thất Nương bị tội ấy mà thất vị. Bát Nương mới giáng cơ báo tin cho Đức Phạm Hộ Pháp hay và yêu cầu Đức Hộ Pháp xin với Ngọc Hư Cung ân xá cho Thất Nương.

Đức Hộ Pháp liền lập đàn cơ, Thất Nương giáng tỏ bày nỗi niềm hiếu đạo:

THI:

Hỏi ai có biết hiếu ra sao?

Chín chữ cù lao giá thế nào?

Hình vóc cảnh Tiên còn dính máu,

Chơn thần nước Phật giữ thai bào.

Nỗi riêng chưa vẹn thân từ phụ,

Nghĩa nặng đeo đai phận má đào.

Thà xuống Âm Cung chia khổ tội,

Cha vầy, ai nỡ ngự đài cao!

Đức Hộ Pháp đọc bài thi rồi thì xúc động từ tâm, nghĩ vì luật pháp quá nghiêm khắc, e rằng nơi mặt thế nầy không ai tránh khỏi tội. Cô Thất Nương vì chữ hiếu mà phải bị phạt, thế thì Luật Công Bình có lẽ còn có chỗ khuyết điểm chăng?

Đức Hộ Pháp quyết định dâng sớ lên Đức Chí Tôn xin tội cho Thất Nương.

Đức Chí Tôn nhận được tờ sớ, liền giao cho Đức Lý Thái Bạch và nói rằng: "Con coi, Tắc nó trách Thầy, ắt nó chưa hiểu rõ Luật Công Bình Thiên Điều thế nào, con cũng nên đến giải cho nó đặng hiểu."

Vâng lịnh Đức Chí Tôn, Đức Lý Giáo Tông giáng cơ nói cho Đức Hộ Pháp hiểu rõ và cho bài thi về Luật Công Bình Thiêng liêng:

THI:

Phải giữ chơn linh đặng trọn lành,

Ngọc Hư toàn ngự Đấng tinh anh.

Luật điều Cổ Phật không chừa tội,

Hình phạt Chí Tôn chẳng vị tình.

Chánh trực kinh oai loài giả dối,

Công bình vừa sức kẻ chơn thành.

Mũi kim chẳng lọt xưa nay hẳn,

Biết sợ xin khuyên cẩn thận mình.

LÝ GIÁO TÔNG "

Trong bài Thuyết đạo của Ngài Tiếp Đạo Cao Đức Trọng tại Đền Thánh vào thời Tý ngày 15-12-Đinh Hợi (1947), có một đoạn Ngài Cao Tiếp Đạo nói về cái khổ của Thất Nương vì chữ Hiếu, trích ra như sau:

"Cái khổ đó chưa ai tránh được, dầu cho bực Thần Thánh có thân hình cũng phải vào cảnh khổ đó. Chính Thất Nương cũng vì khổ đó, cho nên mới có để lời than, sau khi đã lãnh lịnh xuống cõi Âm quang độ con cái của Chí Tôn đang bị giam hãm nơi đó, lựa chỗ cho đầu thai. Thật là một ân huệ vô cùng vô tận của Đức Chí Tôn để độ tận con cái của Người vậy.

Thất Nương vì hiếu, khi hay tin cha mẹ mắc tội nơi Phong Đô, liền bỏ Cung Diêu Trì, xuống đó độ rỗi nên bị Thiên đình bắt tội.

Đã hai kiếp sanh khổ vì tình vì hiếu, nên sau khi Thất Nương được đặc ân của Ngọc Hư Cung xá tội, liền tình nguyện đến cõi Âm Quang độ rỗi các chơn hồn thất thệ, đặng trả nghĩa cho Thầy.

Trước khi đi, trong một kỳ đàn, Thất Nương có đến từ giã và để lời than với Đức Hộ Pháp và một vài Chức sắc HTĐ.

THI:

Hai kiếp đeo đai lắm nợ trần,

Cái thân vì khổ bận cho thân.

Niềm duyên đổ ngọc lan phòng nguyệt,

Nỗi hiếu rơi châu tưới mộ phần.

Giữ Đạo mong chờ ngày độc tịch,

Bán mình quyết cứu độ song thân.

Nước non càng ngắm càng thêm chạnh,

Chạnh thảm khi mang mảnh xác trần.

Thất Nương

(Trích từ Cao Đài Từ Điển của HT Nguyễn Văn Hồng)

Có câu “ nhơn sanh bách hạnh hiếu vi tiên”, tất cả con người ai ai cũng đều phải trọn hiếu đạo làm đầu thì mới đặng tác Tiên tác Phật. Những vị Phật, Tiên, Thánh, Thần xưa kia đều là những bậc hiếu hạnh. Trước và sau khi đắc Đạo đều kính hiếu và báo ân phụ mẫu và cửu huyền thất tổ. Lại có câu “nhất nhơn thành Đạo cửu huyền thăng” để dạy dỗ và khuyến nhủ tất cả con cái của Đức Chí Tôn phải quyết tâm tu hành trở về ngôi xưa vị cũ cũng như cứu độ cả cửu huyền thất tổ được siêu thoát.

Kính,

Tử Liên

Rằm Trung Ngươn- Lễ Vu Lan 2010